Nhiều nguyên nhân khiến miệng có vị kim loại. Phần lớn các trường hợp có bệnh lý răng miệng và thay đổi vị giác khi mang thai. Một số trường hợp khác liên quan đến thuốc và nhiều bệnh lý khác. Rối loạn vị giác khiến người bệnh ăn uống mất ngon. Thông thường quá trình điều trị sẽ dựa vào nguyên nhân.
Thế nào là miệng có vị kim loại?
Miệng có vị kim loại là một dạng rối loạn vị giác, trong đó người bệnh có cảm giác đang ngậm đồng xu trong miệng. Rối loạn này thường không nghiêm trọng nhưng nó có thể làm giảm cảm giác thèm ăn, ăn uống mất ngon.
Nhiều nguyên nhân khiến miệng có vị kim loại. Phần lớn trường hợp có các vấn đề về răng miệng, sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mang thai khiến miệng có vị kim loại. Đôi khi mang thai và sử dụng một số loại thuốc cũng có thể dẫn đến tình trạng này.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, vị kim loại không cần điều trị hoặc được khắc phục bằng cách loại bỏ căn nguyên. Những trường hợp khác cần chăm sóc răng miệng và dùng thuốc theo hướng dẫn.
Nguyên nhân khiến miệng có vị kim loại
Khi bộ phận cảm nhận ngừng hoạt động, vị giác sẽ bị suy giảm và tạo ra những mùi vị bất thường. Điều này cũng xảy ra khi não gặp vấn đề trong việc xử lý cảm giác, tín hiệu qua dây thần kinh vị giác gửi đến não bị gián đoạn.
Miệng có vị kim loại xảy ra do nhiều nguyên nhân. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:
1. Vệ sinh răng miệng kém
Vệ sinh răng miệng kém hoặc không đúng cách có thể gây rối loạn vị giác và khiến miệng của bạn có vị kim loại. Cụ thể việc không chải răng mỗi ngày có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ, thải độc tố dẫn đến hôi miệng và thay đổi vị giác.
Ngoài ra việc vệ sinh kém còn gây ra các bệnh lý răng miệng. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến miệng của bạn có vị bất thường.
2. Bệnh lý nha khoa
Một số bệnh lý nha khoa có thể khiến miệng có vị kim loại:
- Viêm nướu răng: Đây là tình trạng viêm sưng và đau nhức ở lợi (nướu răng). Bệnh lý này khiến vùng ảnh hưởng có dấu hiệu phù nề kèm theo đau đớn, nướu răng đổi màu và dễ chảy máu. Theo thời gian, mô nướu tổn thương nặng dẫn đến chảy máu chân răng thường xuyên và làm thay đổi vị giác.
- Viêm nha chu: Viêm nha chu có thể là nguyên nhân khiến miệng có vị kim loại. Bệnh lý này là giai đoạn nặng của viêm nướu. Trong đó mô nướu và những tổ chức năng đỡ răng (xương ổ răng, xê măng, dây chằng nha chu) bị nhiễm trùng. Khi tổn thương phát triển, một hoặc nhiều răng có dấu hiệu lung lay và gãy rụng.
- Sâu răng/ nhiễm trùng răng: Sâu răng gây hôi miệng và khiến miệng của bạn có vị kim loại. Bệnh lý này thể hiện cho tình trạng nhiễm khuẩn răng, các chất trong men răng và ngà răng (chất hữu cơ và vô cơ) tiêu dần tạo thành những lỗ sâu có màu đen hoặc nâu.
3. Thuốc
Một số loại thuốc điều trị có thể khiến miệng có vị kim loại, bao gồm:
- Thuốc kháng sinh, chẳng hạn như Tetracycline, Clarithromycin, Metronidazole
- Captopril và một số loại thuốc điều trị huyết áp khác
- Thuốc điều trị bệnh gout – Allopurinol
- Lithium
- Methazolamide
- Thuốc điều trị tiểu đường – Metformin
Khi cơ thể hấp thụ thuốc, một số loại thuốc có mùi vị kim loại sẽ tiết ra theo nước bọt. Điều này khiến miệng của bạn có mùi vị bất thường. Ngoài ra thuốc chống trầm cảm và một số khác có thể gây khô miệng. Điều này có thể dẫn đến sự rối loạn vị giác và tạo ra vị kim loại.
Ngoài ra vị giác của bạn có thể thay đổi tạm thời do tác dụng phụ của một số loại thuốc kê đơn. Chẳng hạn như:
- Thuốc thông mũi
- Các loại thuốc tim
- Thuốc chống viêm
- Thuốc chống co giật
- Thuốc kháng virus
- Những loại thuốc được sử dụng trong chữa bệnh ung thư
4. Vitamin tổng hợp
Phần lớn các loại vitamin tổng hợp chứa kim loại nặng. Chính vì thế mà việc bổ sung vitamin có thể khiến miệng của bạn có mùi vị bất thường. Tuy nhiên điều này không cần điều trị. Vị kim loại sẽ mất đi sau khi cơ thể xử lý xong vitamin.
5. Mang thai
Miệng có vị kim loại thường gặp ở phụ nữ mang thai giai đoạn đầu. Nguyên nhân là do sự thay đổi nội tiết tố khiến hệ tiêu hóa bị rối loạn và thay đổi vị giác. Khi thai nhi phát triển, hệ tiêu hóa sẽ ổn định và vị kim loại mất dần.
6. Nhiễm trùng
Nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến vị giác và khiến miệng có vị kim loại. Điều này thường gặp ở những người có các tình trạng sau:
- Viêm xoang
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên
- Cảm lạnh
7. Lão hóa
Vị giác giảm dần theo tuổi tác. Nhiều trường hợp có vị kim loại. Tình trạng này thường gặp hơn ở những người bị sa sút trí tuệ. Nguyên nhân là do những thay đổi trong não khiến bộ phận cảm nhận bị lão hóa nhanh hơn. Mặt khác vị giác và não kết nối với nhau bởi các dây thần kinh. Chính vì thế mà những vấn đề về vị giác có thể xảy ra khi não của bạn hoạt động không bình thường
8. Nguyên nhân khác
- Tiếp xúc với hóa chất: Tiếp xúc với hóa chất có thể khiến miệng của bạn có vị kim loại. Chẳng hạn như chì, thủy ngân, thuốc trừ sâu
- Dị ứng: Những người bị dị ứng thực phẩm thường có vị kim loại. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy sốc phản vệ đang xảy ra.
- Covid-19: Bệnh lý này thường gây mất vị giác và khứu giác. Tuy nhiên một số người cảm thấy miệng có vị kim loại. Điều này có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng sau khi bệnh đã khỏi.
- Phương pháp điều trị ung thư: Miệng có vị kim loại là một trong những tác dụng phụ của phương pháp điều trị ung thư. Chẳng hạn như xạ trị, hóa trị và một số loại thuốc khác.
- Khô miệng: Khô miệng do thiếu nước hoặc dùng thuốc có thể tạo vị kim loại ở miệng.
- Rối loạn tiêu hóa: Ợ nóng, ợ hơi, trào ngược dạ dày thực quản và một số rối loạn tiêu hóa khác có thể khiến miệng của bạn có vị kim loại.
Dấu hiệu nhận biết miệng có vị kim loại
Nếu miệng có vị kim loại, bạn sẽ có những triệu chứng dưới đây:
- Thay đổi vị giác
- Miệng đắng, vị lạ tương tự như ngậm đồng xu
- Ăn uống mất ngon
- Giảm cảm giác thèm ăn
- Khó chịu
Một số triệu chứng đi kèm (tùy thuộc vào nguyên nhân):
- Hôi miệng
- Sưng, đau, chảy máu chân răng hoặc có lỗ sâu lớn
- Buồn nôn
- Mệt mỏi
- Sốt, ớn lạnh
- Khô miệng
- Đau họng hoặc đau trong miệng
Miệng có vị kim loại nguy hiểm không?
Đây là một tình trạng lành tính, thường tự giảm và mất dần theo thời gian. Tuy nhiên khi vị kim loại kéo dài, một số vấn đề dưới đây có thể xảy ra:
- Thay đổi thói quen ăn uống
- Giảm/ mất cảm giác ngon miệng
- Chán ăn dẫn đến thiếu chất và suy dinh dưỡng
- Sụt cân
Bên cạnh đó, miệng vị kim loại có thể liên quan đến một số bệnh lý nghiêm trọng.Việc không chữa trị có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Tốt nhất nên thăm khám và điều trị khi thay đổi vị giác kéo dài hoặc thay đổi vị giác xuất hiện đồng thời với những triệu chứng sau:
- Sốt cao trên 38 độ
- Sưng họng, môi, lưỡi
- Mệt mỏi quá mức
- Thay đổi ý thức hoặc nhầm lẫn
- Mất khả năng nuốt
- Nói lắp
Điều trị miệng có vị kim loại
Phần lớn các trường hợp có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Nếu miệng có vị kim loại kéo dài, cân nhắc lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp.
1. Điều trị theo nguyên nhân
Một số phương pháp điều trị miệng có vị kim loại dựa trên nguyên nhân:
Bệnh lý răng miệng
- Vệ sinh răng miệng đúng cách, đánh răng mỗi ngày.
- Dùng kem đánh răng và nước súc miệng có khả năng diệt khuẩn.
- Khám và điều trị các bệnh lý răng miệng.
Thuốc
- Tham thảo ý kiến bác sĩ về việc ngừng sử dụng thuốc hoặc dùng một loại thuốc điều trị khác có tác dụng tương tự.
- Uống nhiều nước để cuốn trôi lượng nước bọt có vị kim loại.
Phương pháp điều trị ung thư
- Thiết lập chế độ ăn uống phù hợp, ưu tiên thức ăn luộc và ít dầu mỡ.
- Dùng những loại thực phẩm có vị mạnh hơn. Chẳng hạn như gừng, tỏi, nghệ và một số loại thảo dược.
Nhiễm trùng
- Điều trị khỏi các tình trạng nhiễm trùng. Dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng viêm dựa trên tình trạng.
Mang thai
- Đối với trường hợp này, miệng có vị kim loại thường sớm mất đi. Tuy nhiên có thể giảm nhẹ tình trạng bằng cách dùng thảo dược và thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh.
- Điều trị rối loạn tiêu hóa có thể giúp các triệu chứng biến mất.
2. Chăm sóc răng miệng đúng cách
Những cách chăm sóc răng miệng dưới đây có thể giúp phòng ngừa và giảm vị kim loại:
- Chải răng 2 lần/ ngày kết hợp vệ sinh lưỡi.
- Dùng kem đánh răng thảo dược có thể giúp kháng khuẩn, khử mùi hôi miệng và cải thiện vị giác.
- Dùng chỉ nha khoa loại bỏ vụn thức ăn trong kẽ.
- Dùng nước súc miệng tăng khả năng diệt vi khuẩn, tránh các bệnh răng miệng dẫn đến miệng có vị kim loại.
- Khám nha khoa định kỳ và điều trị tốt các bệnh lý răng miệng.
3. Xây dựng chế độ ăn phù hợp
Thiết lập chế độ ăn uống phù hợp có thể giúp cải thiện vị giác, giảm vị kim loại. Tốt nhất ăn những loại thực phẩm lành mạnh như rau củ, trái cây tươi, protein nạc, các loại hạt, đậu… Những loại thực phẩm này có thể cải thiện vị giác, cung cấp vitamin và khoáng chất phòng ngừa một số tình trạng khiến miệng có vị kim loại.
Đặc biệt những loại thực phẩm dưới đây có thể làm mất mùi vị kim loại:
- Những loại trái cây có múi, đặc biệt là cam và chanh.
- Chất tạo ngọt, chẳng hạn như si-rô. Nên sử dụng với lượng vừa phải để tránh tiêu thụ quá nhiều đường.
- Những thực phẩm có vị chua, chẳng hạn như kim chi, dưa chua, salad hoặc những món ăn có giấm khác.
- Những loại thực phẩm có vị mạnh hơn. Chẳng hạn như các loại gia vị, gừng…
Ngoài ra có thể nhai kẹo cao su không đường, ngậm hoặc nhai lá bạc hà có thể cải thiện vị giác. Hạn chế tiêu thụ những loại thực phẩm có khả năng làm nặng hơn vị kim loại và tạo cảm giác khó chịu. Chẳng hạn như:
- Thực phẩm chứa quá nhiều gia vị
- Thực phẩm chế biến sẵn, chứa chất bảo quản
4. Súc miệng với nước muối
Trước khi ăn, nên dùng nước muối pha loãng để súc miệng. Phương pháp này có thể giúp điều chỉnh và cân bằng nồng độ pH trong miệng của bạn. Đồng thời trung hòa axit và giảm vị kim loại.
5. Thay đổi thói quen sinh hoạt
Một số thay đổi dưới đây có thể giúp giảm vị kim loại:
- Bỏ hút thuốc lá: Ngừng thói quen hút thuốc lá. Bởi điều này khiến mùi vị kim loại trở nên nghiêm trọng hơn. Đồng thời tác động tiêu cực đến sức khỏe.
- Uống nhiều nước: Uống nhiều nước có thể chống khô miệng và cải thiện vị giác của bạn.
- Ngậm đá: Thường xuyên ngậm đá có thể làm thay đổi vị giác trong miệng.
Phòng ngừa miệng có vị kim loại
Để phòng ngừa miệng có vị kim loại, hãy loại bỏ những nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này. Ngoài ra hãy áp dụng những biện pháp dưới đây để ngăn ngừa hiệu quả:
- Giữ gìn vệ sinh răng miệng. Chải răng thường xuyên và cạo lưỡi, dùng thêm chỉ nha khoa và nước súc miệng để để giữ răng miệng khỏe mạnh.
- Dùng kẹo cao su không đường.
- Nhai một ít lá bạc hà hoặc dùng trà bạc hà có thể giúp kháng khuẩn, giữ hơi thở thơm mát và ngăn vị kim loại.
- Tránh tiếp xúc với hóa chất, không nên dùng những sản phẩm chứa các chất có thể khiến miệng của bạn có vị kim loại.
- Nên dùng ly, bát… bằng thủy tinh, nhựa hoặc gốm để thay thế cho những vật dụng bằng kim loại.
- Uống đủ nước để ngăn ngừa khô miệng dẫn đến hôi miệng từ cổ họng và miệng vị kim loại.
- Nên ăn những loại trái cây có múi, rau củ quả, các loại hạt, đậu, thực phẩm lành mạnh chứa vitamin và khoáng chất như vitamin C và canxi. Những loại thực phẩm này có khả năng ngăn ngừa và loại bỏ mùi vị bất thường. Đồng thời giúp kháng viêm, loại trừ vi khuẩn và bảo vệ răng miệng.
- Loại bỏ thói quen hút thuốc lá.
Nhìn chung miệng có vị kim loại thường không nghiêm trọng, có thể giảm nhanh khi loại bỏ nguyên nhân và áp dụng những biện pháp chăm sóc phù hợp. Nếu triệu chứng không giảm hoặc dai dẳng, hãy nói chuyện với bác sĩ để được kiểm tra, xác định nguyên nhân. Từ đó có những bước xử lý nguyên nhân và loại trừ mùi vị bất thường.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Tại Sao Mọc Răng Khôn Lại Gây Hôi Miệng? Khắc Phục Thế Nào?
Hôi miệng ở trẻ em: Nguyên nhân và cách chữa trị hiệu quả
Chia Sẻ 6 Cách Chữa Hôi Miệng Bằng Nước Vo Gạo Cực Hay
Trẻ Bị Hôi Miệng Nên Dùng Thuốc Gì?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!