Răng bị mòn mặt nhai là tình trạng lớp men ngoài cùng của răng bị bào mòn do ma sát khi ăn uống, tác động từ axit trong các loại thực phẩm và đồ uống,… Tình trạng này cần được điều trị sớm để tránh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe răng miệng.
Răng bị mòn mặt nhai là gì?
Mặt nhai là bề mặt răng tiếp xúc trực tiếp với thức ăn khi ăn uống. Do ma sát với thức ăn thường xuyên nên mặt nhai có thể bị mài mòn theo thời gian. Mòn mặt nhai là hiện tượng đỉnh răng (mặt nhai) mất các mô cứng ở lớp men dẫn đến tình trạng men răng giảm độ dày. Hiện tượng mòn men răng xảy ra chủ yếu ở mặt nhai và cổ răng vì đây là những vị trí có nồng độ khoáng chất thấp.
Răng bị mòn mặt nhai thường không gây ra triệu chứng ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên khi men răng bị bào mòn nhiều, lớp ngà răng lộ ra bên ngoài sẽ khiến răng trở nên nhạy cảm với các yếu tố vật lý và hóa học. Dù không quá nguy hiểm nhưng mòn mặt nhai làm gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề răng miệng và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Mòn mặt nhai có thể gặp ở cả trẻ em và người trưởng thành nhưng ảnh hưởng nhiều hơn đến người trung niên, cao tuổi do bề mặt răng bị ma sát trong thời gian dài. Ngoài ra, tình trạng này còn xảy ra ở người có thói quen ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh.
Nguyên nhân khiến răng bị mòn mặt nhai
Mặt nhai phải chịu ma sát và áp lực lớn trong quá trình ăn uống. Chính vì vậy, mặt nhai là một trong những vị trí dễ gặp phải hiện tượng mòn men. Theo thống kê, phần lớn những trường hợp bị mòn mặt nhai đều do tác động cơ học.
Dưới đây là một số nguyên nhân gây mòn mặt nhai của răng phổ biến:
- Dùng thức ăn cứng, khô: Các thực phẩm cứng, khô như bánh mì sấy, khô bò, gân bò, các loại hạt,… rất khó nghiền nát nên khi nhai, răng phải chịu một áp lực lớn. Nếu thường xuyên dùng các món ăn này, tốc độ bào mòn men răng sẽ tăng lên đáng kể dẫn đến hiện tượng mòn mặt răng. Ngoài ra, thói quen dùng thức ăn khô, cứng còn gây rối loạn khớp thái dương hàm và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý răng miệng khác.
- Dùng nhiều đồ uống, thực phẩm chứa axit: Các tinh thể hydroxyapatite trong men răng sẽ bị hòa tan ở độ pH dưới 5. Do đó nếu thường xuyên sử dụng thực phẩm và đồ uống chứa nhiều axit (nước ngọt có gas, rượu bia, trái cây họ cam chanh, me,…), men răng bị bào mòn nhanh dẫn đến tình trạng mòn cổ răng và mòn mặt nhai.
- Ảnh hưởng của bệnh trào ngược dạ dày (GERD): GERD là bệnh tiêu hóa khá phổ biến xảy ra khi thức ăn cùng với dịch vị trào ngược lên khoang miệng và thực quản. Bệnh lý này không chỉ gây ra cảm giác khó chịu, ăn uống kém mà còn làm tăng nguy cơ bị mòn mặt nhai của răng. Bởi dịch vị dạ dày độ pH thấp (chỉ khoảng 1 – 2.5) nên men răng có thể bị bào mòn với tốc độ nhanh chóng.
- Chứng khô miệng: Khô miệng là tình trạng khoang miệng giảm tiết nước bọt. Chứng bệnh này gặp chủ yếu ở người cao tuổi do ảnh hưởng của quá trình lão hóa, tác động từ một số bệnh lý và tác dụng phụ khi dùng thuốc điều trị. Nước bọt có vai trò tái khoáng men răng và ức chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn. Do đó nếu giảm tiết nước bọt, tốc độ bào mòn men răng sẽ tăng lên dẫn đến tình trạng mòn cổ răng và mòn mặt nhai.
- Chải răng không đúng cách: Chải răng quá mạnh và chải răng nhiều hơn 3 lần/ ngày cũng có thể là nguyên nhân gây mòn mặt nhai của răng. Ngoài ra, vệ sinh răng miệng không đúng cách còn gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề nha khoa khác như viêm nướu răng, viêm nha chu, viêm tủy răng,…
- Do một số thói quen xấu khác: Răng bị mòn mặt nhai cũng có thể bắt nguồn từ những thói quen xấu như nghiến răng khi ngủ, cắn móng tay, dùng răng cắn những vật cứng, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia,… Các thói quen này đều làm tăng áp lực lên răng dẫn đến mòn men và nhiều vấn đề nha khoa khác.
- Yếu tố di truyền: Răng bị mòn mặt nhai không phải là bệnh nha khoa có khả năng di truyền. Tuy nhiên nếu cha mẹ có men răng mỏng, yếu và dễ bị tổn thương, nguy cơ gặp phải tình trạng mòn men ở con cái sẽ tăng lên đáng kể.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến răng bị mòn mặt nhai, trong đó thói quen ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh chính là những nguyên nhân thường gặp nhất. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể xảy ra do một số nguyên nhân không được đề cập trong bài viết.
Răng bị mòn mặt nhai – Dấu hiệu nhận biết
Mòn mặt nhai của răng có tiến triển khá chậm, âm thầm với triệu chứng mờ nhạt. Ở giai đoạn đầu, lớp men chưa bị bào mòn nhiều nên răng hầu như không bị đau nhức hay ê buốt. Tuy nhiên khi lượng men răng bị bào mòn tăng lên đáng kể, bạn có thể nhận thấy những triệu chứng như:
- Quan sát mặt nhai nhận thấy các rãnh, kẽ bị mài mòn và thậm chí là bằng phẳng hoàn toàn
- Bề mặt nhai của răng có dạng lõm với bờ cao ở xung quanh, chính giữa lõm nhẹ và có màu vàng nhạt (ngà răng)
- Mòn mặt nhai xảy ra do chủ yếu ở răng hàm và răng cửa bởi đây là những vị trí dùng để cắn, nhai thức ăn thường xuyên
- Răng bị mòn mặt nhai thường có cảm giác đau nhức và ê buốt khi ăn uống, mức độ đau buốt tăng lên khi dùng thức ăn chua, nóng, món ăn cứng, khô, quá nóng và quá lạnh
Răng bị mòn mặt nhai có triệu chứng không quá điển hình. Tuy nhiên, nếu chú ý, bạn vẫn có thể phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm. Trong trường hợp để kéo dài, mặt nhai của răng sẽ bị bào mòn hoàn toàn dẫn đến mất các rãnh, kẽ và thân răng ngắn đi đáng kể.
Mòn mặt nhai có ảnh hưởng gì không?
Mòn mặt nhai là một trong những dạng mòn men răng thường gặp. Tình trạng này ít khi đe dọa đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng nhiều đến răng miệng và chất lượng cuộc sống – nhất là khi lớp men đã bị bào mòn đáng kể. Nếu không có biện pháp điều trị kịp thời, răng bị mòn mặt nhai có thể gây ra nhiều ảnh hưởng như:
- Mất thẩm mỹ: Men răng là lớp ngoài cùng có vai trò bảo vệ ngà và tủy răng. Men răng hầu như trong suốt và ánh sáng có thể xuyên qua lớp men. Màu sắc của răng thực chất là màu của lớp ngà ở bên trong. Khi men răng bị bào mòn, mặt nhai sẽ ngả sang màu vàng do ngà răng lộ ra hoàn toàn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ, đặc biệt là với người làm công việc phải giao tiếp và gặp gỡ thường xuyên.
- Khó khăn khi ăn uống: Mặt nhai là nơi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn. Tình trạng mòn mặt nhai khiến răng bị đau nhức và ê buốt khi ăn uống. Điều này dẫn đến hiện tượng chán ăn, ăn uống kém và mệt mỏi.
- Gây tổn thương khớp hàm: Để hạn chế cảm giác đau nhức và ê buốt khi ăn uống, nhiều người có thói quen nhai cố định bên hàm không gặp phải tình trạng mòn men. Tuy nhiên, việc nhai một bên hàm trong thời gian dài có thể gây tổn thương khớp thái dương hàm. Rối loạn khớp thái dương hàm gây đau nhức, khó khăn khi há miệng và khớp phát ra âm thanh lục cục trong quá trình ăn uống, sinh hoạt.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa: Men răng là cơ quan bảo vệ ngà răng và tủy răng trước tác động cơ học, axit từ thức ăn và vi khuẩn. Khi mặt nhai bị bào mòn, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bên trong dẫn đến nhiều vấn đề răng miệng. Nếu không điều trị sớm tình trạng răng bị mòn mặt nhai, bạn có thể gặp phải bệnh sâu răng, viêm tủy răng và thậm chí là mất răng vĩnh viễn.
Mòn mặt nhai của răng là tình trạng khá phổ biến ở người trưởng thành. Có thể thấy, dù không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng tình trạng này gây ra không ít phiền toái khi ăn uống và sinh hoạt. Hơn nữa nếu không được điều trị sớm, răng có thể bị hư hại dẫn đến tăng nguy cơ mất răng và nhiều vấn đề nha khoa khác.
Các phương pháp điều trị răng bị mòn mặt nhai
Răng bị mòn mặt nhai có thể được khắc phục bằng một số biện pháp chăm sóc và điều trị. Để áp dụng phương pháp phù hợp nhất, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ mòn men răng và sức khỏe răng miệng trước khi chỉ định phương pháp điều trị.
Các phương pháp điều trị răng bị mòn mặt nhai có thể được chỉ định:
1. Liệu pháp fluor
Liệu pháp fluor bao gồm nhiều phương pháp nhằm bổ sung fluor cho răng miệng. Fluor là khoáng chất cần thiết cho quá trình tái khoáng men răng, hỗ trợ bù lấp những lỗ sâu li ti và ngăn ngừa sâu răng hiệu quả. Trong trường hợp răng bị mòn mặt nhai nhẹ, bác sĩ sẽ cho gel bôi chứa fluor nồng độ cao vào khay ngậm để trong khoảng vài phút.
Fluor sẽ kết hợp với hydroxyapatite trong men răng tạo thành fluorapatite có kết cấu cứng chắc và ít bị hòa tan bởi vi khuẩn. Sau khi áp dụng liệu pháp này, men răng ở phần mặt nhai sẽ được cải thiện đáng kể và giảm ê buốt, đau nhức khi ăn uống. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng kem đánh răng và nước súc miệng chứa fluor để cải thiện sức khỏe răng miệng một cách toàn diện.
2. Trám răng
Trám răng là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất trong điều trị mòn mặt nhai. Men răng không chứa các tế bào sống giống như ngà răng và tủy răng. Chính vì vậy, mặc dù có kết cấu cứng chắc nhưng các tổn thương ở men răng không có khả năng tự sửa chữa và phục hồi.
Trám răng được thực hiện nhằm che phủ phần men răng bị bào mòn, từ đó ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập vào bên trong. Ngoài ra, trám răng còn giúp giảm độ nhạy cảm của ngà răng với nhiệt độ, vị chua và ngọt có trong thức ăn và đồ uống.
Nếu mặt nhai bị bào mòn nhẹ, bác sĩ sẽ phủ một lớp composite để bảo vệ phần men răng còn lại. Tuy nhiên trong trường hợp răng bị mòn mặt nhai + sâu răng, bác sĩ sẽ kết hợp trám bít hố rãnh và phủ vật liệu trám lên toàn bộ mặt nhai để tránh ê buốt, đau nhức khi ăn uống.
3. Bọc răng sứ
Nếu mặt nhai bị bào mòn nặng, lộ tủy,… bác sĩ sẽ xem xét bọc răng sứ. Bọc răng sứ là phương pháp sử dụng chất liệu sứ để chế tác thành mão sứ có hình dáng và kích thước tương tự răng thật. Sau đó, tiến hành mài nhỏ cùi răng thật và chụp mão sứ lên cùi răng.
Bọc răng sứ giúp bảo vệ toàn bộ thân răng và giảm độ nhạy cảm của mặt nhai. Qua đó giúp răng thoải mái hơn khi ăn uống, tránh ê buốt và đau nhức. Ngoài ra, bọc răng sứ còn giúp bảo vệ ngà răng, tủy răng khỏi tác động của nhiệt độ, axit, độc tố,…
4. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Vệ sinh răng miệng đúng cách là biện pháp quan trọng giúp cải thiện tình trạng mòn mặt nhai. Thực hiện tốt biện pháp này giúp hạn chế hình thành mảng bám và tạo điều kiện cho quá trình tái khoáng men răng.
Cách vệ sinh răng miệng giúp cải thiện tình trạng mòn mặt nhai:
- Chải răng 2 – 3 lần/ ngày với bàn chải lông mềm và mảnh. Khi chải răng, nên di chuyển bàn chải theo chiều dọc và thao tác nhẹ nhàng để làm sạch thức ăn thừa, mảng bám trong các kẽ. Không chải răng theo chiều ngang và tránh sử dụng quá nhiều lực khi làm sạch răng miệng.
- Tuyệt đối không dùng tăm xỉa răng để làm sạch kẽ. Thay vào đó, nên thay thế bằng chỉ nha khoa để tránh gây tổn thương men răng và mô nướu.
- Sử dụng nước súc miệng sau khi chải răng và dùng chỉ nha khoa. Nước súc miệng có tác dụng làm sạch khoang miệng và hạn chế sự phát triển quá mức của các vi khuẩn có hại. Bên cạnh đó, một số loại nước súc miệng còn được bổ sung fluor giúp tái khoáng men răng và hỗ trợ cải thiện tình trạng mòn mặt nhai hiệu quả.
Sau khi tình trạng mòn mặt nhai được cải thiện, bạn vẫn nên duy trì những thói quen vệ sinh răng miệng trên để bảo vệ men răng và phòng ngừa các vấn đề nha khoa thường gặp.
5. Kiểm soát các bệnh lý có liên quan
Như đã đề cập, mòn mặt nhai của răng có thể xảy ra do ảnh hưởng của chứng khô miệng và trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Vì vậy song song với các biện pháp xử lý mòn mặt nhai, bạn nên thăm khám và điều trị sớm các bệnh lý này.
Khi các bệnh lý nguyên nhân được cải thiện, hiện tượng mòn men răng sẽ được kiểm soát. Ngược lại nếu không khắc phục từ nguyên nhân, tình trạng mòn răng có thể chuyển biến nặng và ảnh hưởng đến nhiều răng trên cung hàm.
Phòng ngừa răng bị mòn mặt nhai
Răng bị mòn mặt nhai gây ra nhiều phiền toái khi ăn uống và sinh hoạt. Bên cạnh đó, đây còn là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển và xâm nhập vào bên trong ngà răng, tủy răng. Vì vậy, cần có sự chủ động trong việc phòng ngừa bệnh tái phát.
Các biện pháp phòng ngừa mòn mặt nhai:
- Chải răng đúng cách, không dùng bàn chải có lông cứng, tránh chải răng quá 3 lần/ ngày và hạn chế dùng lực quá mạnh khi làm sạch răng. Kết hợp đánh răng với dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng để làm sạch khoang miệng hoàn toàn.
- Không dùng răng cắn xé vật cứng, đồng thời nên hạn chế dùng thức ăn cứng, khô, thực phẩm và đồ uống chứa nhiều axit.
- Nếu có thói quen nghiến răng khi ngủ, bạn nên thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng để cải thiện tình trạng này. Trong trường hợp cần thiết, nên sử dụng máng đeo chống nghiến răng để giảm áp lực lên các mặt nhai.
- Không hút thuốc lá và hạn chế sử dụng rượu bia. Các thói quen này là nguyên nhân gây khô miệng và gián tiếp tác động đến lớp men của răng.
- Dùng các loại thực phẩm và đồ uống chứa nhiều canxi, vitamin D,… để cải thiện sức khỏe răng miệng từ sâu bên trong. Chế độ ăn hợp lý giúp răng chắc khỏe và tăng khả năng đề kháng với những tác nhân có hại.
- Nên khám răng miệng và lấy cao răng định kỳ 1 – 2 lần/ năm để phòng tránh các bệnh nha khoa. Ngoài ra, thăm khám thường xuyên còn giúp phát hiện và điều trị sớm các vấn đề răng miệng tiềm ẩn.
Răng bị mòn mặt nhai có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hy vọng qua thông tin trong bài viết, bạn đọc có thể xác định được nguyên nhân và lựa chọn được phương pháp khắc phục phù hợp. Ngoài ra, cần có sự chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe răng miệng và phòng ngừa tình trạng mòn mặt nhai tái phát.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Bệnh Ăn Mòn Chân Răng Ở Trẻ Em: Dấu Hiệu Và Cách Chữa
Men Răng Yếu: Nguyên nhân và Cách khắc phục hiệu quả
Thiểu sản răng sữa ở trẻ: Nguyên nhân và cách điều trị
Tráng men răng là gì? Giá bao nhiêu? Quy trình và tác dụng
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!