Trồng răng giả xong bị đau là phản ứng thông thường do nướu và răng chưa hồi phục hoàn toàn. Nếu chăm sóc đúng cách, tình trạng này sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau khoảng vài ngày. Tuy nhiên trong một số trường hợp, đau nhức cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề bất thường.
Bị đau sau khi trồng răng giả – Nguyên nhân do đâu?
Trồng răng giả là phương pháp phục hình răng được áp dụng trong trường hợp mất răng, răng hư tổn nặng, răng sâu bị vỡ chỉ còn chân răng,… Hiện nay, hai phương pháp trồng răng giả được ưa chuộng nhất là làm cầu răng sứ và cấy ghép Implant.
Trồng răng giả giúp răng phục hồi hình dáng, màu sắc và chức năng sinh lý (ăn nhai, hỗ trợ trong việc phát âm). Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả của phương pháp, bạn nên lựa chọn cơ sở uy tín nếu có ý định thực hiện. Bởi hầu hết những rủi ro và biến chứng khi trồng răng giả đều xảy ra do thực hiện tại những phòng khám nhỏ, kém chất lượng.
Đau nhức răng sau khi trồng răng giả là tình trạng khá phổ biến. Tình trạng này là phản ứng thông thường do nướu và các cơ quan nâng đỡ răng chưa thích nghi với Implant, mão sứ. Tuy nhiên trong một số trường hợp, đau răng có thể là dấu hiệu cảnh báo những sai sót trong quá trình thực hiện.
Để có hướng khắc phục phù hợp, bạn nên tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây đau răng sau khi trồng răng giả. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp nhất.
1. Do nướu, răng chưa thích nghi với răng giả
Sau khi trồng răng giả, răng có thể bị đau nhức trong 1 – 3 ngày đầu do nướu, răng chưa thích nghi với răng giả. Hơn nữa, cơn đau cũng có thể xảy ra do dư chấn của việc mài răng và cấy Implant. Tuy nhiên, mức độ cơn đau thường nhẹ, không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và có thể thuyên giảm sau một thời gian ngắn.
Mức độ cơn đau và tốc độ phục hồi sau khi trồng răng giả phụ thuộc vào cơ địa, chế độ chăm sóc nhưng hầu hết đều giảm sau tối đa 7 ngày. Nếu cơn đau kéo dài, đau dữ dội và buốt nhói, bạn nên thông báo với bác sĩ để được kiểm tra và can thiệp các biện pháp khắc phục hợp lý.
2. Không điều trị bệnh nha khoa trước khi trồng răng giả
Các bệnh lý nha khoa cần phải được điều trị dứt điểm trước khi trồng răng giả để tránh biến chứng. Vì vậy nếu bác sĩ không phát hiện và xử lý sớm các vấn đề răng hàm mặt, răng có thể bị đau nhức nặng sau khi trồng răng giả.
Răng giả được làm từ chất liệu chuyên dụng nên ít bị hư hại bởi hại khuẩn trong khoang miệng. Tuy nhiên, tình trạng viêm nhiễm vẫn phát triển bên trong cùi răng thật, xương ổ răng, dây chằng nha chu và mô nướu dẫn đến triệu chứng đau và ê buốt răng tự phát, đau khi ăn uống và chải răng.
3. Do sai sót trong quá trình trồng răng giả
Trồng răng giả là phương pháp phục hình phức tạp đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm, chuyên môn vững và máy móc tân tiến, hiện đại. Ngoài ra, phương pháp này phải được thực hiện trong điều kiện vô trùng để đảm bảo an toàn, tránh rủi ro và biến chứng.
Thực hiện ở những phòng khám kém chất lượng có thể gây ra một số tình huống phát sinh. Những sai sót trong quá trình thực hiện như bác sĩ mài quá nhiều cùi răng, ghép xương sai kỹ thuật, chế tác mão sứ không tương thích,… đều có thể gây đau nhức sau khi trồng răng giả. Nếu không xử lý sớm, cơn đau có thể nặng dần theo thời gian gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống.
4. Chăm sóc không đúng cách
Sau khi trồng răng giả, nướu và răng sẽ trở nên nhạy cảm hơn. Vì vậy trong khoảng 1 – 4 tuần đầu, bạn cần phải thực hiện chế độ chăm sóc đặc biệt. Trong trường hợp chăm sóc không đúng cách, răng có thể bị đau nhức âm ỉ hoặc đau dữ dội, buốt nhói.
5. Cảnh báo biến chứng viêm nhiễm
Viêm nhiễm là biến chứng có thể gặp phải sau khi trồng răng giả do bác sĩ không thực hiện tốt vô trùng, người bệnh chăm sóc sai cách hoặc mắc các bệnh nội khoa như tiểu đường, rối loạn đông máu, nhiễm HIV/ AIDS nhưng không phát hiện từ sớm.
Trong một số trường hợp, trồng răng giả xong bị đau nhức có thể là dấu hiệu cảnh báo biến chứng nhiễm trùng. Ngoài cơn đau, hiện tượng viêm nhiễm còn biểu hiện qua một số dấu hiệu như nướu sưng đỏ, phù nề, sưng má kèm sốt và mệt mỏi.
Trồng răng giả xong bị đau có nguy hiểm không?
Đau nhức sau khi trồng răng giả là phản ứng thông thường của nướu, răng nên không đáng lo ngại. Nếu chăm sóc tốt, tình trạng sẽ thuyên giảm chỉ sau 1 – 3 ngày. Với những người có cơ địa nhạy cảm và nền răng yếu, thời gian phục hồi có thể lâu hơn nhưng hiếm khi cơn đau kéo dài quá 7 ngày.
Trồng răng giả xong bị đau cũng có thể là dấu hiệu cho thấy những sai sót trong quá trình thực hiện. Trong trường hợp cơn đau không thuyên giảm sau vài ngày và mức độ đau nặng, đau dữ dội, bạn nên thông báo ngay với bác sĩ. Để đảm bảo an toàn, bạn nên đến bệnh viện lớn, tránh quay trở lại phòng khám đã trồng răng giả trước đây.
Hầu hết các biến chứng sau khi trồng răng giả đều có thể khắc phục nếu phát hiện sớm. Ngược lại, tình trạng chậm trễ có thể gây tổn thương mô nha chu nặng dẫn đến nhiều di chứng không thể phục hồi. Vì vậy, cần chú ý đến những triệu chứng xảy ra sau khi trồng răng giả để có biện pháp xử trí kịp thời.
Cách khắc phục đau răng sau khi trồng răng giả
Trồng răng giả xong bị đau nhức gây ra không ít phiền toái khi sinh hoạt, ăn uống. Với những người có nền răng yếu, đau răng có thể nhói lên từng cơn làm gián đoạn giấc ngủ và giảm hiệu quả khi học tập, làm việc. Để kiểm soát tình trạng này, bạn có thể áp dụng các biện pháp khắc phục sau:
1. Chăm sóc đúng cách
Sau khi trồng răng giả, răng và nướu chưa kịp thời thích nghi nên thường bị đau nhức, ê buốt. Tuy nhiên, chăm sóc đúng cách có thể giảm nhẹ phần nào tình trạng đau răng cùng với các triệu chứng đi kèm. Ngoài ra, chế độ chăm sóc hợp lý còn tăng tốc độ phục hồi, tái tạo.
Cách chăm sóc sau khi trồng răng giả:
- Chải răng 2 – 3 lần/ ngày, súc miệng và dùng chỉ nha khoa để làm sạch răng miệng hiệu quả. Qua đó ngăn chặn vi khuẩn phát triển trong mảng bám, cao răng gây viêm nhiễm mô nướu xung quanh răng vừa phục hình.
- Dùng thức ăn mềm, lỏng, ít gia vị và nguội để giảm mức độ kích thích lên nướu và răng. Sử dụng thực phẩm cứng, khô, đồ uống chứa cồn có thể làm tăng áp lực lên răng dẫn đến đau nhức và chậm hồi phục.
- Không nên vận động mạnh và chống cằm trong ít nhất 5 – 7 ngày sau khi trồng răng.
- Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ (nếu có).
- Hút thuốc lá có thể gây chảy máu kéo dài và làm chậm quá trình hồi phục, tái tạo răng và mô nha chu sau khi trồng răng giả. Vì vậy, bạn cần tránh hút thuốc trong vòng ít nhất 7 – 10 ngày.
- Không nhai thức ăn lên răng vừa mới phục hình. Uống nhiều nước, tăng cường bổ sung rau xanh và trái cây để làm dịu mô nướu sưng và phù nề.
- Không dùng tăm và các vật cứng để làm sạch kẽ răng.
- Tái khám theo lịch hẹn (thường là sau 7 – 10 ngày) và chủ động đến bệnh viện nếu gặp phải các triệu chứng bất thường.
- Mặc dù có chức năng và hình dáng tương tự răng thật nhưng răng giả không được tủy răng nuôi dưỡng nên có thể bị đào thải, tuổi thọ kém. Vì vậy, bạn nên khám định kỳ 6 tháng/ lần để kiểm tra tình trạng răng miệng và điều trị sớm nếu có vấn đề bất thường.
Nếu chăm sóc đúng cách, tình trạng đau nhức sau khi trồng răng giả sẽ thuyên giảm sau khoảng vài ngày. Ngay cả khi cơn đau giảm hoàn toàn, bạn vẫn cần duy trì thói quen vệ sinh răng miệng và ăn uống, sinh hoạt hợp lý để kéo dài tuổi thọ của răng.
2. Áp dụng biện pháp giảm đau tại nhà
Trên thực tế, các biện pháp chăm sóc có thể không kiểm soát hẳn cơn đau sau khi trồng răng giả – nhất là với người có cơ địa nhạy cảm và người có nền răng yếu. Nếu cần thiết, bạn có thể áp dụng một số mẹo giảm đau đơn giản sau:
- Chườm đá: Sau khi trồng răng giả, bạn nên chườm đá ngay sau khi về nhà. Chườm đá từ 10 – 15 phút có thể giảm sưng và đau nhức hiệu quả. Ngoài ra, biện pháp này còn có tác dụng cầm máu nhanh, hạn chế tình trạng răng rỉ máu kéo dài. Nếu cần thiết, nên chườm đá sau mỗi 2 giờ trong 12 giờ đầu tiên.
- Dùng thuốc giảm đau: Ngoài chườm đá, bạn cũng có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau không kê toa như Paracetamol, thuốc bôi gây tê,… để cải thiện tình trạng đau nhức. Tuy nhiên, chỉ nên dùng thuốc trong khoảng 2 – 3 ngày. Nếu cơn đau không giảm, nên đến phòng khám để được kiểm tra và can thiệp các biện pháp khắc phục nếu cần.
- Dùng trà thảo mộc: Khi mới trồng răng giả, nên hạn chế áp dụng các cách giảm đau tại nhà như đắp và súc miệng bằng nguyên liệu tự nhiên để tránh kích ứng, viêm nhiễm. Lúc này, vết thương chưa lành hẳn nên bạn có thể giảm đau bằng cách sử dụng một số loại trà thảo mộc như trà hoa cúc, trà bạc hà, trà hoa nhài,… Các hợp chất thực vật trong trà thảo mộc có thể giảm đau nhức và phù nề rõ rệt.
3. Tìm gặp bác sĩ khi cần thiết
Đau răng sau khi trồng răng giả có thể là dấu hiệu cảnh báo viêm nhiễm, sai sót khi mài răng, chế tác mão sứ, chưa điều trị dứt điểm các bệnh nha khoa,… Vì vậy, nếu cơn đau kéo dài trong nhiều này, có mức độ nặng hay đi kèm với các triệu chứng khác thường, bạn nên thăm khám sớm.
Tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc một số phương pháp khắc phục sau:
- Thay mão răng giả: Thay mão răng giả được xem xét trong trường hợp mão sứ có kích thước không tương thích với cấu trúc hàm, mài quá nhiều cùi răng thật, răng sứ bị chênh, lỏng lẻo,… Để đảm bảo mão sứ phù hợp 100% với cấu trúc hàm, bác sĩ sẽ chụp X-quang, lấy dấu mẫu hàm và sử dụng phần mềm hỗ trợ trong quá trình chế tác.
- Trồng lại răng giả: Với những trường hợp răng giả chế tác không đúng kích cỡ, bác sĩ có thể xem xét trồng lại răng giả mới. Ngoài ra, phương pháp này cũng được cân nhắc khi răng giả bị hư hại nặng do ảnh hưởng của các bệnh lý nha khoa như sâu răng, viêm nha chu,…
- Điều trị triệt để các bệnh nha khoa: Đối với trường hợp chưa điều trị dứt điểm các bệnh lý nha khoa, bác sĩ sẽ tiến hành tháo gỡ răng giả để thực hiện các phương pháp điều trị. Tùy theo tình trạng sức khỏe của từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định hàn trám răng, lấy tủy răng, phẫu thuật nạo túi nha chu, cạo vôi răng,…
- Dùng thuốc: Sử dụng thuốc được chỉ định khi răng đau nhức nhiều, mô nướu và tổ chức nha chu bị viêm nhiễm sau khi trồng răng giả. Các loại thuốc được sử dụng thường là thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, thuốc kháng sinh, dung dịch súc miệng sát khuẩn,…
Phòng ngừa đau răng sau khi trồng răng giả
Đau nhức răng sau khi trồng răng giả không chỉ là phản ứng sinh lý thông thường mà còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều rủi ro và biến chứng. Vì vậy nếu có ý định thực hiện phương pháp này, bạn nên chủ động phòng ngừa các biến chứng phát sinh bằng cách:
- Lựa chọn phòng khám/ bệnh viện đáng tin cậy nếu có ý định trồng răng giả và thực hiện các thủ thuật nha khoa khác. Không giống với các phương pháp thông thường, trồng răng giả là phương pháp phục hình phức tạp đòi hỏi cao về trình độ, chuyên môn của bác sĩ và máy móc, thiết bị hiện đại. Thực hiện ở những cơ sở kém chất lượng là nguyên nhân hàng đầu làm phát sinh rủi ro và biến chứng.
- Thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe (bao gồm các bệnh lý răng miệng và bệnh toàn thân) để được xem xét về nguy cơ khi trồng răng giả. Ngoài ra, bạn cũng nên trao đổi trước với bác sĩ nếu có tiền sử dị ứng thuốc – đặc biệt là thuốc gây mê và gây tê.
- Thực hiện các biện pháp chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài nguyên nhân bắt nguồn từ những sai sót khi trồng răng, tình trạng răng đau nhức còn có thể xảy ra do chăm sóc không đúng cách, tự ý ngưng thuốc bác sĩ chỉ định (nếu có),…
- Tái khám sau khi trồng răng khoảng 7 – 10 ngày hoặc bất cứ khi nào xuất hiện các triệu chứng bất thường. Ngoài ra, cần tập thói quen khám răng miệng định kỳ 1 – 2 lần/ năm để phát hiện và xử lý sớm các bệnh lý tiềm ẩn.
Trồng răng giả xong bị đau nhức là tình trạng khá phổ biến. Hy vọng qua bài viết, bạn có thể hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách xử lý tình trạng này. Nếu gặp phải những triệu chứng bất thường khi sau khi trồng răng, nên liên hệ sớm với bác sĩ để được thăm khám và xử lý kịp thời.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Răng Bị Đau Khi Chạm Vào: Nguyên Nhân và Cách khắc phục
Bị đau răng sưng má có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?
Bị đau răng uống thuốc giảm đau nhưng không đỡ phải làm sao?
10 Loại thuốc giảm đau răng của Nhật được Review tốt nhất
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!