Men răng là một trong những cơ quan chính của răng bên cạnh ngà răng, tủy răng và cement. Men răng có cấu tạo gồm 95 – 96% khoáng chất với độ cứng chắc cao giúp bảo vệ răng khỏi tác động từ vi khuẩn, axit và áp lực trong quá trình ăn nhai, chấn thương.
Men răng là gì?
Men răng là lớp ngoài của răng, sau đó đến ngà răng và tủy răng. Ngoài ra, răng còn bao gồm cement – lớp mỏng chứa canxi bao phủ phần chân răng. Men răng bao bọc toàn bộ thân răng (phần răng lộ ra bên ngoài) với cấu tạo gồm 95 – 96% hàm lượng khoáng chất. Với hàm lượng chất khoáng cao, men răng là cơ quan cứng nhất trong cơ thể.
Tuy nhiên, men răng hoàn toàn không có thể bào sống (dây thần kinh, mạch máu, các mô,…) nên không thể cảm nhận được nhiệt độ, vị chua, ngọt, đồng thời không có khả năng tự sửa chữa và phục hồi khi bị tổn thương. Nhiều người lầm tưởng men răng có màu trắng ngà. Tuy nhiên trên thực tế, men răng gần như trong suốt. Màu sắc của răng được quy định bởi phần ngà bên trong.
Men răng có thể bị ố màu do ảnh hưởng của một số vấn đề sức khỏe và thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học. Về bản chất, cơ quan này hầu như trong suốt và ánh sáng có thể xuyên qua phản ánh màu sắc của ngà răng bên trong.
Cấu tạo của men răng
Như đã đề cập, men răng chứa từ 95 – 96% là khoáng chất. Ngoài ra, cơ quan này còn chứa các vật liệu hữu cơ và nước. Men răng được cấu tạo từ những thành phần sau:
1. Khoáng chất
Khoáng chất là thành phần chủ yếu của men răng. So với xương, nồng độ khoáng chất trong men răng cao hơn rất nhiều lần (chiếm khoảng 95 – 96%). Trong đó, hai loại khoáng chất có nhiều nhất trong men răng là canxi và phosphate (chiếm 99%). Canxi kết hợp với phosphate kết tinh tạo thành hydroxyl apatite – chất khoáng chính của men răng có kết cấu cứng chắc với khả năng chịu được lực và nhiệt độ cao/ thấp.
2. Các nguyên tố vi lượng
Ngoài khoáng chất, men răng còn được cấu tạo từ các nguyên tố vi lượng như manganese, vanadium, strontium, molybdenum,… Các thành phần này có vai trò ức chế sâu răng và bảo vệ răng khỏi tác động của độc tố, vi khuẩn, axit trong thức ăn và đồ uống.
Ngoài ra, men răng còn chứa fluor với hàm lượng không cố định. Fluor là khoáng chất rất cần thiết cho quá trình tái khoáng của men răng. Bên cạnh đó, fluor còn có thể tăng độ cứng của lớp men và phòng ngừa sâu răng bằng cách kết hợp với hydroxyl apatite tạo thành fluorapatite. Fluorapatite có độ cứng chắc rất cao và ít bị hòa tan bởi axit do vi khuẩn bài tiết.
Lượng fluor trong men răng thường không ổn định do ảnh hưởng của tuổi tác và chế độ ăn uống. Tuy nhiên, bạn có thể bổ sung khoáng chất này cho răng bằng cách dùng nước súc miệng, kem đánh răng, thức uống và một số loại thực phẩm chứa fluor.
3. Protein
Protein cũng là một trong những thành phần có trong men răng. Nồng độ chất đạm trong lớp men có sự khác biệt giữa men răng của bào thai, trẻ nhỏ và người trưởng thành. Ở lớp men chưa trưởng thành bên trong bào thai chứa các protein chủ yếu là histidine, prolin, glutamic acid. Trong khi đó, men đang trưởng thành và trưởng thành chứa các chất đạm khác như glycine, serine, aspartic acid.
Sự phân bố của protein ở men răng không đồng đều. Chất đạm tập trung chủ yếu ở các rãnh dọc và vùng cổ răng. Những vị trí này cũng có nồng độ khoáng chất thấp hơn so với mặt trong và mặt ngoài của răng. Chính vì thế, mặt nhai và cổ răng là hai vị trí dễ gặp phải tình trạng mòn men răng.
4. Cấu trúc các tinh thể men
Các khoáng chất trong men răng không tồn tại riêng biệt mà kết hợp tạo thành các tinh thể men, trong đó thành phần chính là canxi hydroxyapatite. Hydroxyapatite được cấu tạo từ ion hydroxyl, phosphate và canxi được sắp xếp lặp lại tạo thành cấu trúc tinh thể.
Đặc biệt, tinh thể hydroxyapatite có thể được thay thế bằng những nguyên tử khác như Zn, Mg, Na và F (fluor). Fluor kết hợp với hydroxyapatite sẽ tạo thành fluorapatite có độ cứng chắc cao và có khả năng đề kháng với vi khuẩn Streptococcus mutans gây ra bệnh sâu răng. Đây là lý do vì sao cần phải xây dựng chế độ ăn uống hợp lý và vệ sinh răng miệng đúng cách để bảo vệ sức khỏe răng miệng nói chung và men răng nói riêng.
Ngoài ra, men răng còn chứa một nước. Nước nằm bên trong các thành phần protein và tham gia tạo thành vỏ hydrat xung quanh tinh thể men.
Tính chất vật lý của men răng
Men răng là cơ quan cứng chắc nhất trong toàn bộ cơ thể. Ngoài độ cứng, men răng còn có những tính chất vật lý đặc trưng.
1. Độ cứng
Như đã đề cập, men răng là cơ quan cứng chắc nhất trong cơ thể với cấu tạo gồm 95 – 96% là khoáng chất. Hàm lượng men răng lớn còn khiến men răng có độ giòn cao. Cũng chính vì vậy mà lớp men dễ bị nứt nếu có tác động lực quá lớn. Theo thang đo độ cứng Mohs, men răng xếp hạng thứ 5 và có suất đàn hồi Young là 83GPa.
2. Độ dày
Men răng bao phủ lấy toàn bộ phần thân răng tuy nhiên độ dày của men răng thường không đồng bộ. Ở răng vĩnh viễn, men răng có độ dày khoảng 2.5mm ở rìa cắn nhưng kích thước chỉ khoảng vài micron ở phần cổ răng.
3. Màu sắc
Men răng có màu trong suốt và hơi có ánh vàng nhạt hoặc xanh xám. Màu sắc thực tế của răng phụ thuộc chủ yếu vào lớp ngà bên trong vì men răng gần như trong suốt và ánh sáng có thể chiếu xuyên qua. Có thể thấy, màu sắc của mỗi người là không giống nhau. Điều này phụ thuộc vào mức độ trong, độ dày của men và màu sắc của ngà răng.
4. Tính thấm
Men răng có kết cấu cứng chắc với nồng độ khoáng chất cao. Chính vì thế, cơ quan này có tính thấm giới hạn. Tính thấm của răng sẽ giảm dần ở răng trưởng thành. Lúc này, men răng ít xốp và cứng chắc hơn so với răng sữa.
Chức năng của men răng
Men răng là lớp ngoài cùng của răng bao bọc toàn bộ phần thân răng. Đây là một trong những cơ quan chính cấu tạo răng bên cạnh ngà răng và tủy răng. Cơ quan này đảm nhiệm những chức năng, vai trò quan trọng như:
1. Bảo vệ ngà răng, tủy răng
Vai trò quan trọng nhất của men răng là bảo vệ ngà răng và tủy răng. Khác với lớp men bên ngoài, ngà răng có kết cấu xốp với hàm lượng khoáng chất thấp và nhiều thành phần hữu cơ. Bên cạnh đó, tủy răng nằm phía trong là mô liên kết lỏng lẻo với cấu tạo chủ yếu là mạch máu và các tế bào thần kinh. Chính vì thế, ngà răng và tủy răng đều không thể chống chọi với tác động của axit trong thức ăn, đồ uống và axit từ vi khuẩn bài viết.
Với kết cấu cứng chắc, men răng giúp bảo vệ ngà răng và tủy răng trước những tác nhân có hại như vi khuẩn, độc tố, nhiệt độ, tác động cơ học,… Ngoài ra, lớp men còn có vai trò ngăn cách các cơ quan bên trong với nhiệt độ, vị chua và ngọt trong các loại thức ăn. Nếu không có lớp men, răng có thể bị đau nhức và ê buốt dữ dội trong quá trình ăn uống.
2. Giúp răng thực hiện các chức năng sinh lý
Răng có chức năng chính là ăn nhai, hỗ trợ giao tiếp và thẩm mỹ. Trong đó, men răng là cơ quan quan trọng giúp răng thực hiện các chức năng sinh lý kể trên. Nếu không có lớp men, răng thường có màu ngả vàng, ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ. Ngoài ra, men răng còn giúp răng không bị đau nhức, ê buốt và thoải mái hơn khi ăn uống.
Các vấn đề thường gặp ở men răng
Men răng có vai trò bảo vệ ngà răng và tủy răng trước tác động của vi khuẩn, nhiệt độ, độc tố,… Chính vì thế, dù có kết cấu cứng chắc, men răng vẫn có thể bị tổn thương nếu không biết cách chăm sóc.
Dưới đây là một số vấn đề thường gặp ở men răng:
1. Mòn men răng
Mòn men răng (mòn răng) là tình trạng men răng bị bào mòn do axit từ thức ăn và đồ uống hoặc do tác động cơ học, ảnh hưởng của tuổi tác. Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở cổ răng và mặt nhai do nồng độ khoáng chất ở những vị trí này thấp hơn so với mặt trong và mặt ngoài của răng.
Mòn răng có triệu chứng mờ nhạt và tiến triển chậm, âm thầm. Tuy nhiên khi lớp men bị bào mòn đáng kể, răng sẽ bị ê buốt và đau nhức do ngà răng tiếp xúc gần với nhiệt độ, vị ngọt và chua có trong thức ăn. Bên cạnh đó, mòn men răng còn tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào bên trong phần ngà răng gây ra nhiều bệnh lý nha khoa khác.
2. Sâu men (sâu răng giai đoạn đầu)
Sâu men là tình trạng sâu răng ở giai đoạn đầu. Sâu răng là một dạng nhiễm khuẩn của răng gây ra bởi vi khuẩn Streptococcus mutans. Vi khuẩn này tồn tại trong khoang miệng với số lượng hạn chế. Tuy nhiên khi răng miệng không được vệ sinh sạch, hại khuẩn sẽ tăng lên đáng kể dẫn đến bài tiết nhiều axit.
Axit do vi khuẩn Streptococcus mutans sản xuất chính là nguyên nhân trực tiếp gây hòa tan các mô cứng của men răng. Hiện tượng hủy khoáng do vi khuẩn gây ra diễn ra rất chậm và không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, bạn có thể nhận biết tình trạng sâu men qua một số tổn thương thực thể như men răng xuất hiện các vết có màu trắng đục hoặc có đốm sâu màu nâu, đen nhỏ.
3. Nhiễm fluor
Fluor là khoáng chất cần thiết cho quá trình tái khoáng men răng và phòng ngừa sâu răng. Tuy nhiên, bổ sung quá nhiều fluor có thể gây ra tình trạng dư thừa. Nhiễm fluor men răng khiến toàn bộ răng chuyển sang màu trắng đục gây ảnh hưởng không nhỏ đến yếu tố thẩm mỹ. Tình trạng này gặp nhiều ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Nhiễm fluor là tình trạng không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu không được xử lý sớm, men răng có thể xuất hiện các khiếm khuyết không thể phục hồi.
4. Thiểu sản men răng
Thiểu sản men răng là tình trạng thiếu hụt men răng do bất thường trong giai đoạn hình thành lớp men. Tùy theo nguyên nhân, tình trạng này được chia thành 2 loại là thiểu sản men răng di truyền (sinh men bất toàn) và thiếu sản men răng do tác động bên ngoài. Thiểu sản men răng có thể gặp ở cả trẻ nhỏ và người trưởng thành.
Thiểu sản men răng đặc trưng bởi tình trạng răng bị mủn, ố màu, xuất hiện các đốm màu vàng hoặc nâu đen và dễ bị nhầm lẫn với bệnh sâu răng. Thiếu hụt số lượng men răng khiến ngà răng lộ ra bên ngoài, răng đau nhức và ê buốt khi ăn đồ lạnh và nóng. Ngoài ra, tình trạng này còn làm gia tăng nguy cơ sâu răng và nhiều bệnh lý nha khoa khác.
5. Men răng ố màu
Men răng có màu trong suốt và hơi ngả vàng hoặc xanh xám. Lớp men có thể bị ố màu do sử dụng kháng sinh, hút thuốc lá, thường xuyên dùng thức ăn và đồ uống có màu đậm. Men răng ố màu không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe răng miệng. Tuy nhiên tình trạng này tác động tiêu cực đến tâm lý và sự tự tin khi giao tiếp.
Đối với những trường hợp men răng ố màu nhẹ đến trung bình, bạn có thể cải thiện bằng cách thay đổi thói quen, vệ sinh răng miệng đúng cách và tẩy trắng răng. Nếu men răng ố màu nặng, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp phục hình như dán mặt sứ hoặc bọc răng sứ để cải thiện.
Cách chăm sóc, bảo vệ men răng hiệu quả
Men răng là một trong những bộ phận chính của răng. Cơ quan này đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe răng miệng. Chính vì thế, bạn cần có chế độ chăm sóc hợp lý để bảo vệ men răng và phòng ngừa các vấn đề thường gặp ở cơ quan này.
Cách chăm sóc giúp bảo vệ men răng hiệu quả:
- Không sử dụng thức ăn, đồ uống chứa quá nhiều axit. Axit là tác nhân trực tiếp làm bào mòn lớp men dẫn đến tình trạng mòn răng và sâu răng. Nếu sử dụng đồ uống chứa nhiều axit, bạn nên sử dụng ống hút để hạn chế axit tiếp xúc với bề mặt răng.
- Kiêng dùng thức ăn cứng, khô và dai. Khi sử dụng các món ăn này, áp lực lên răng sẽ tăng lên đáng kể khiến men răng bị bào mòn và tổn thương. Để bảo vệ răng miệng nói chung và men răng nói riêng, bạn nên dùng các món ăn mềm, lỏng, ít gia vị và nguội.
- Dùng thức ăn chứa nhiều đường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hại khuẩn phát triển mạnh. Chính vì thế, nên hạn chế lượng đường trong chế độ ăn để phòng ngừa sâu men và các bệnh nha khoa thường gặp khác.
- Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng là biện pháp bảo vệ men răng hiệu quả. Ngoài chải răng 2 – 3 lần/ ngày, bạn nên dùng thêm chỉ nha khoa và nước súc miệng để làm sạch khoang miệng hoàn toàn. Bên cạnh đó, cần thay đổi những thói quen xấu như chải răng quá mạnh, đánh răng hơn 3 lần/ ngày, dùng tăm xỉa răng,…
- Không hút thuốc lá và tránh sử dụng răng để cắn, xé những vật cứng.
- Sử dụng thêm một số sản phẩm chăm sóc răng miệng như nước súc miệng và kem đánh răng chứa fluor để tăng cường sức khỏe men răng. Bên cạnh đó, nên bổ sung thêm canxi, vitamin D và vitamin C qua chế độ ăn uống lành mạnh.
- Khám răng miệng định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề nha khoa. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ sử dụng liệu pháp fluor để cải thiện độ cứng chắc của men răng, qua đó phòng ngừa các vấn đề thường gặp ở cơ quan này.
Men răng là một trong những cơ quan chính của răng. Hy vọng qua những thông tin trong bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về cấu tạo, chức năng và các vấn đề thường gặp ở cơ quan này. Qua đó chủ động trong việc chăm sóc răng miệng để bảo vệ men răng và phòng ngừa các bệnh lý nha khoa.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Mòn Cổ Chân Răng là gì? Nguyên Nhân và Cách Điều Trị
Tráng men răng là gì? Giá bao nhiêu? Quy trình và tác dụng
Bệnh Ăn Mòn Chân Răng Ở Trẻ Em: Dấu Hiệu Và Cách Chữa
Răng bị mòn mặt nhai: Nguyên nhân và cách điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!