Can thiệp chỉnh nha có thể gây ra rủi ro và hệ lụy nghiêm trọng trong một số trường hợp. Nếu đang có ý định thực hiện phương pháp này, bạn nên tìm hiểu các trường hợp không nên niềng răng để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Những trường hợp không nên niềng răng cần chú ý
Niềng răng (chỉnh nha) là phương pháp sử dụng khí cụ chuyên dụng để điều hướng và nắn chỉnh răng về đúng vị trí trên cung hàm. Phương pháp này ra đời từ thế kỷ 18 và hiện nay được áp dụng rất phổ biến. Bằng cách dịch chuyển vị trí của răng, chỉnh nha có thể tác động tích cực đến một số đường nét trên khuôn mặt và mang đến ngoại hình ưa nhìn hơn.
Niềng răng giúp khắc phục hầu hết các khuyết điểm của răng như sai khớp cắn, răng hô, móm, răng thưa, răng lệch lạc, khấp khểnh,… Dựa vào mức độ lệch lạc của răng, phương pháp này thường mất từ 6 – 36 tháng để hoàn thành. Sau đó, cần dùng hàm duy trì thêm 6 – 12 tháng để cấu trúc răng được ổn định hoàn toàn.
Mặc dù mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe răng miệng và ngoại hình nhưng niềng răng – chỉnh nha không phù hợp với tất cả. Lực siết hàm từ các khí cụ chỉnh nha có thể gây ra rủi ro ở một số trường hợp. Chính vì vậy, niềng răng – chỉnh nha sẽ không được thực hiện nếu gặp phải các bệnh lý toàn thân và nha khoa nghiêm trọng.
Dưới đây là 7 trường hợp không nên niềng răng – chỉnh nha:
1. Viêm nha chu quá nặng
Viêm nha chu là một trong những bệnh nha khoa thường gặp. Nha chu là các tổ chức nâng đỡ răng bao gồm mô nướu, dây chằng nha chu, cement và xương ổ răng. Chức năng chính của cơ quan này là bảo vệ và cố định răng trên cung hàm.
Khi cao răng tích tụ nhiều và không được làm sạch kịp thời, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào nướu, sau đó di chuyển đến tất cả các cơ quan xung quanh răng. Viêm nha chu là bệnh có tiến triển chậm nên khó phát hiện ở giai đoạn đầu. Nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể tiến triển nặng gây ra các vấn đề nghiêm trọng như tụt lợi, răng lung lay, lỏng lẻo,…
Những trường hợp bị viêm nha chu nặng không nên niềng răng – chỉnh nha. Vì lúc này, tổ chức nâng đỡ răng đã bị tổn thương đáng kể nên chân răng có thể trở nên suy yếu và gãy, rụng dưới tác động của lực siết hàm. Trong trường hợp viêm nha chu nhẹ và cấu trúc răng còn chắc chắc, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị triệt để trước khi gắn các khí cụ chỉnh nha.
2. Trường hợp tiêu xương răng nặng không nên niềng răng
Tiêu xương răng là tình trạng xương ổ răng giảm thể tích do quá trình hủy cốt bào diễn ra nhanh hơn quá trình tạo cốt bào. Tình trạng này có thể xảy ra do tác động của viêm nha chu, mất răng vĩnh viễn, ảnh hưởng của bệnh loãng xương, tiểu đường,…
Xương ổ răng là cơ quan cố định răng trên cung hàm bên cạnh dây chằng nha chu, nướu và cement. Cơ quan này bị tiêu hủy đồng nghĩa với việc chân răng trở nên lung lay và lỏng lẻo. Can thiệp niềng răng – chỉnh nha đồng nghĩa với việc răng phải chịu áp lực từ lực siết hàm. Vì chân răng đã bị suy yếu nên trường hợp này rất dễ gặp phải tình trạng nứt, mẻ và thậm chí là gãy răng.
3. Trường hợp răng lệch lạc, hô móm do cấu trúc hàm
Các khuyết điểm như răng hô vẩu, móm, sai lệch khớp cắn không chỉ xảy ra do răng mọc lệch, chen chúc mà còn xuất phát từ sự phát triển bất thường của xương hàm. Những trường hợp này cần phải phẫu thuật chỉnh hàm để khắc phục triệt để khuyết điểm của răng. Niềng răng – chỉnh nha trong trường hợp này thường không có hiệu quả hoặc chỉ mang lại cải thiện hạn chế, không đáng kể.
4. Những trường hợp đã bọc răng sứ nhiều hơn 2 răng
Bọc răng sứ là phương pháp phục hồi hình thể của răng bằng mão sứ. Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp răng nứt mẻ nhiều, răng sâu nặng,… Trước tiên, bác sĩ sẽ mài bớt cùi răng thật và chế tác mão sứ có hình dáng, kích thước tương tự như răng thật. Sau đó, đặt lên trên cùi răng thật để phục hồi hình dáng và màu sắc của răng.
Răng sứ có khả năng dịch chuyển kém nên gây ra không ít khó khăn trong quá trình chỉnh nha. Cũng chính vì vậy mà phương pháp này không được thực hiện trong trường hợp có hơn 2 răng sứ trên cung hàm. Những trường hợp chỉ có từ 1 – 2 răng bọc sứ vẫn có thể can thiệp chỉnh nha để cải thiện các khuyết điểm như răng hô, vẩu, móm, thưa và hoàn thiện khớp cắn.
5. Cấy ghép Implant
Cấy ghép Implant là giải pháp tối ưu trong trường hợp mất răng vĩnh viễn. Phương pháp này sử dụng trụ Implant để thay thế chân răng và lắp mão sứ vào thông qua khớp nối. Răng Implant có hình dáng và chức năng tương tự răng thật.
Tuy nhiên, vì sử dụng hoàn toàn dụng cụ nhân tạo nên răng Implant không thể dịch chuyển trên cung hàm. Do đó, tất cả những trường hợp đã cấy ghép Implant thường không được chỉnh nha. Niềng răng trong trường hợp này không mang lại hiệu quả, ngược lại còn gây ra hiện tượng đào thải trụ Implant, viêm nướu, chảy máu, tụt lợi và nặng hơn là tiêu xương răng.
6. Cung hàm có nhiều răng đã chết tủy, lấy tủy
Tủy răng là cơ quan nằm bên trong với chức năng chính là dẫn truyền cảm giác và nuôi dưỡng, tái tạo ngà răng. Đây được xem là “trái tim” của mỗi chiếc răng, ảnh hưởng đến độ chắc khỏe và tuổi thọ của răng. Tuy nhiên, tủy răng có thể bị viêm nhiễm, hoại tử do chấn thương, sâu răng nặng, sai sót trong các thủ thuật nha khoa,… Những trường hợp này đều phải lấy tủy răng sớm để phòng ngừa viêm nhiễm lây lan và bảo tồn răng kịp thời.
Răng sau khi lấy tủy sẽ trở nên giòn và suy yếu dần theo thời gian. Chính vì vậy, niềng răng – chỉnh nha thường không được chỉ định trong trường hợp có nhiều hơn 2 răng đã chết tủy/ điều trị tủy trên cung hàm. Tác động từ lực siết khi chỉnh nha có thể khiến răng bị đau nhức, lỏng lẻo, gãy rụng và giảm tuổi thọ đáng kể.
7. Trường hợp mắc các bệnh toàn thân
Khi niềng răng, bác sĩ có thể phải nhổ bỏ một vài răng trên cung hàm để tạo khoảng trống cho các răng dịch chuyển. Hơn nữa, quá trình nắn chỉnh răng đòi hỏi người thực hiện phải có sức khỏe tốt để ngăn ngừa viêm nhiễm và đảm bảo hiệu quả chỉnh nha.
Chính vì vậy, phương pháp niềng răng thường không được thực hiện ở những trường hợp mắc các bệnh lý toàn thân như:
- Ung thư
- Người bị suy giảm miễn dịch mãn tính
- Động kinh
- Mắc các bệnh tâm thần
- Tiểu đường
- Tim mạch
- Rối loạn đông máu
Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng không nên niềng răng – chỉnh nha do cấu trúc răng miệng trở nên nhạy cảm và suy yếu dưới tác động của hormone thai kỳ.
Bài viết đã tổng hợp 7 trường hợp không nên can thiệp niềng răng – chỉnh nha. Ngoài ra, phương pháp này cũng có thể không được thực hiện trong nhiều trường hợp khác. Vì vậy nếu có ý định niềng răng, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám răng miệng và đánh giá tình trạng sức khỏe cụ thể.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Thun Màu Niềng Răng có bao nhiêu loại? Màu nào đẹp nhất?
Nuốt Phải Mắc Cài Niềng Răng Có Sao Không? Cách Khắc Phục
Niềng răng hỏng: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách khắc phục
Hàm duy trì sau niềng răng là gì? Các loại và giá bán cụ thể
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!