Niềng răng sử dụng khí cụ để tạo lực siết nhằm nắn chỉnh răng về đúng vị trí. Do đó, nhiều người lo ngại niềng răng khi răng lung lay có thể gây đau nhức và thậm chí là làm gãy, rụng răng. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn đọc nên tham khảo thông tin giải đáp Răng bị lung lay có niềng được không? trong bài viết sau.
Răng bị lung lay có niềng được không? Giải đáp!
Răng lung lay là tình trạng chân răng trở nên lỏng lẻo và không ổn định trên cung hàm. Tình trạng này đặc trưng bởi tình trạng răng xô lệch, dịch chuyển khi ăn uống và khi dùng tay chạm vào.
Răng lung lay có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó ảnh hưởng của viêm nha chu là nguyên nhân thường gặp nhất (chiếm 50%). Ngoài ra, chân răng bị lung lay cũng có thể xảy ra do tiêu xương răng, chấn thương, ảnh hưởng của quá trình mang thai, viêm nướu răng (viêm lợi),…
Chân răng bị lung lay có thể gây đau hoặc không, đôi khi đi kèm với tình trạng chảy máu, tụt lợi, ê buốt và hôi miệng. Đây là dấu hiệu cho thấy răng và các cơ quan nâng đỡ răng đang gặp phải các vấn đề. Chính vì vậy khi chân răng bị lung lay, cần hạn chế tối đa các tác động lên răng.
Niềng răng (chỉnh nha) là phương pháp nha khoa được ưa chuộng trong thời gian gần đây. Phương pháp này sử dụng các khí cụ chỉnh nha như mắc cài, khay niềng để dịch chuyển răng về đúng vị trí. Chỉnh nha có thể khắc phục tình trạng răng thưa, hô, móm, khấp khểnh, lệch lạc,… Ngoài ra, thông qua việc điều chỉnh răng về đúng vị trí, phương pháp này còn giúp hoàn thiện khớp cắn và mang lại sự cân đối cho khẩu hình.
Để nắn chỉnh răng, các khí cụ phải tạo lực siết lên cung hàm liên tục trong 6 – 36 tháng tùy trường hợp. Chính vì vậy, một số người lo ngại niềng răng khi răng bị lung lay có thể gây gãy, rụng răng và làm phát sinh nhiều tình huống rủi ro khác. Thực tế, phần lớn những trường hợp răng lung lay đều không được chỉ định niềng răng. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ xem xét và đánh giá tình trạng răng miệng cụ thể trước khi quyết định có nên niềng răng hay không.
1. Trường hợp răng lung lay có thể niềng
Răng lung lay có thể xảy ra tạm thời do một số nguyên nhân. Những trường hợp này có thể niềng răng – chỉnh nha sau khi cấu trúc răng đã ổn định.
Các trường hợp răng lung lay có thể thực hiện niềng răng:
- Răng lung lay nhẹ do chấn thương
- Răng lung lay do ảnh hưởng của quá trình mang thai sẽ tự thuyên giảm sau khi sinh nở. Khi sức khỏe răng miệng ổn định hơn, bạn có thể niềng răng để cải thiện các khuyết điểm như hô, móm, khấp khểnh, răng thưa, lệch lạc,…
- Những trường hợp răng lung lay nhẹ do viêm nướu răng và viêm nha chu cũng có thể niềng răng. Tuy nhiên, cần phải điều trị dứt điểm các bệnh lý này trước khi chỉnh nha để đảm bảo hiệu quả.
2. Các trường hợp răng lung lay không nên niềng răng
Tuy nhiên, những trường hợp răng lung lay nặng, chân răng lỏng lẻo nên tránh niềng răng – chỉnh nha. Tác động từ lực siết hàm sẽ khiến răng bị gãy, rụng và xô lệch. Niềng răng trong những trường hợp này thường không mang lại hiệu quả cao. Ngược lại còn gia tăng nguy cơ gặp phải các rủi ro và hệ lụy nghiêm trọng.
Vì vậy, cần tránh niềng răng khi răng bị lung lay trong những trường hợp sau:
- Răng lung lay nhiều do viêm nha chu nặng
- Răng lung lay, lỏng lẻo do tiêu xương răng
- Trường hợp răng lung lay kèm theo cấu trúc răng suy yếu do tác động của quá trình lão hóa
Trên thực tế, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ lung lay của răng và tình trạng sức khỏe để xem xét có nên can thiệp chỉnh nha niềng răng hay không. Trong tất cả các trường hợp, niềng răng chỉ được thực hiện khi lợi ích cao hơn rủi ro tiềm ẩn.
Một số vấn đề cần lưu ý khi niềng răng
Niềng răng là phương pháp nha khoa rất được ưa chuộng trong những năm gần đây. Với khả năng nắn chỉnh răng và cải thiện các đường nét trên khuôn mặt, phương pháp này giúp tạo sự cân đối cho gương mặt và hoàn thiện khớp cắn.
Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả khi niềng răng, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Lựa chọn phòng khám/ bệnh viện chất lượng nếu có ý định niềng răng – chỉnh nha. Thực tế, niềng răng là phương pháp rất phức tạp và mất nhiều thời gian thực hiện. Chính vì vậy, thực hiện ở những cơ sở kém chất lượng thường không mang lại hiệu quả như mong đợi.
- Nên trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ về rủi ro khi niềng răng trong trường hợp răng lung lay trước khi thực hiện. Ngoài ra, nên điều trị dứt điểm tình trạng răng lung lay, lỏng lẻo để đảm bảo hiệu quả chỉnh nha.
- Phụ nữ mang thai có thể gặp phải tình trạng răng lung lay, tụt lợi, chảy máu,… do ảnh hưởng của hormone thai kỳ. Tình trạng này sẽ nhanh chóng thuyên giảm khi nội tiết tố ổn định. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bạn chỉ nên niềng răng sau khi đã sinh nở.
- Niềng răng làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nha khoa do các khí cụ được gắn cố định vào mặt trong và mặt ngoài của răng. Vì vậy trong thời gian chỉnh nha, nên chú ý vệ sinh răng miệng kỹ để phòng tránh các vấn đề răng miệng.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Răng bị lung lay có niềng được không?” và một số vấn đề cần lưu ý khi chỉnh nha. Thông tin trong bài viết chỉ có tính chất tham khảo. Nếu gặp phải tình trạng răng lung lay, lỏng lẻo, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi niềng.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Cách chữa răng hô nhẹ tại nhà không cần niềng
Cắm Minivis Bị Sưng Viêm: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
Niềng Răng Invisalign Tại Nha Khoa ViDental Có Tốt Không?
Niềng Răng Xong Đeo Hàm Duy Trì Bao Lâu? Điều Nên Biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!