Phẫu thuật hàm hô xâm lấn sâu vào xương hàm nên thời gian hồi phục sẽ chậm hơn so với phẫu thuật mô mềm. Để có biện pháp chăm sóc hợp lý, bạn đọc nên tham khảo thông tin về vấn đề “Phẫu thuật hàm hô bao lâu thì lành, hết sưng?” và trang bị những mẹo giúp vết thương nhanh lành hơn.
Phẫu thuật hàm hô bao lâu thì lành và hết sưng?
Phẫu thuật hàm hô được áp dụng trong trường hợp hô hàm trên hoặc hô cả hai hàm có liên quan đến xương. Xương hàm phát triển quá mức khiến hàm răng nhô ra bất thường, làm mất cân đối giữa hai hàm, gây lệch khớp cắn và ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ. Phẫu thuật giúp cắt bỏ phần xương dư thừa và đẩy hàm vào bên trong để đảm bảo sự toàn vẹn của khớp cắn.
Hiện nay, phẫu thuật hàm hô đã có những bước cải tiến vượt trội. Bên cạnh tác dụng chỉnh khớp cắn, phương pháp này còn giúp cải thiện cấu trúc khuôn mặt và mang đến hiệu quả thẩm mỹ cao. Do đó, ngày càng có nhiều người quyết định phẫu thuật hàm hô để cải thiện ngoại hình và thoải mái hơn khi ăn uống, giao tiếp.
Như đã biết, phẫu thuật hàm hô xâm lấn vào xương hàm và nướu răng nên tốc độ phục hồi chậm hơn so với những phương pháp khác. Để có sự chuẩn bị tốt trước khi phẫu thuật, bạn đọc nên nắm rõ “Phẫu thuật hàm hô bao lâu thì lành và hết sưng?”.
Sau khi phẫu thuật, vùng hàm mặt sẽ sưng viêm nhiều và mức độ sưng sẽ tăng lên trong khoảng 1 – 2 ngày sau đó. Khoảng 5 ngày sau, tình trạng sưng sẽ thuyên giảm dần và hết hẳn sau 7 ngày. Lúc này, về cơ bản vết thương đã lành hẳn nên bạn có thể cắt chỉ sau 10 ngày phẫu thuật.
Phẫu thuật hàm hô can thiệp cả vào mô mềm và xương. Nếu như mô mềm chỉ mất 7 – 10 ngày hồi phục thì với xương hàm, thời gian lành thương sẽ kéo dài khoảng 5 – 6 tuần tùy theo cơ địa. Tuy nhiên, đây chỉ là thời gian vết thương bắt đầu phục hồi.
Theo các bác sĩ Răng hàm mặt, xương hàm chỉ thực sự ổn định và hồi phục hoàn toàn sau 3 – 6 tháng. Tốc độ lành thương sẽ có sự khác biệt ở từng người do phụ thuộc vào cơ địa, phương pháp phẫu thuật, tay nghề của bác sĩ và chế độ chăm sóc.
Tóm lại, tình trạng sưng viêm sẽ thuyên giảm sau 5 – 7 ngày và xương hàm phục hồi hoàn toàn sau 3 – 6 tháng kể từ khi phẫu thuật hàm hô. Tuy nhiên, sau khoảng 5 – 6 tuần, bạn có thể ăn uống và sinh hoạt như bình thường vì lúc này xương hàm đã tương đối ổn định.
Mẹo giúp phục hồi nhanh sau phẫu thuật hàm hô
Phẫu thuật hàm hô cần nhiều thời gian phục hồi. Để đẩy nhanh tốc độ lành thương, bạn có thể áp dụng một số mẹo sau đây. Những mẹo này còn giúp giảm đau, sưng viêm và ngăn ngừa biến chứng khi phẫu thuật hàm hô.
1. Chườm đá thường xuyên
Sau khi hết thuốc mê, bạn nên chườm đá ngay để giảm sưng sau khi phẫu thuật. Sưng là phản ứng sinh lý khi cơ thể bị viêm nhiễm và tổn thương. Do đó, bạn không nên quá lo lắng khi gặp phải tình trạng sưng viêm sau khi phẫu thuật hàm hô.
Ngay sau khi xuất viện, nên chườm đá từ 15 – 20 phút để cải thiện tình trạng sưng viêm và đau nhức. Trong 3 ngày đầu tiên, nên chườm đá khoảng 4 – 5 lần/ ngày, mỗi lần cách nhau từ 3 – 4 giờ đồng hồ. Nếu thực hiện thường xuyên, tình trạng sưng sẽ giảm đi đáng kể. Ngoài ra, cách này cũng sẽ giúp bạn bớt đau nhức.
2. Sử dụng thuốc chỉ dẫn
Sau khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ chỉ định dùng một số loại thuốc như thuốc giảm đau, chống viêm và kháng sinh. Trong đó, kháng sinh bắt buộc phải dùng đủ liều và đủ thời gian chỉ định để ngăn ngừa viêm nhiễm. Các loại thuốc khác được sử dụng kèm theo để giảm sưng viêm, đau nhức và cảm giác khó chịu sau khi phẫu thuật.
Nếu các triệu chứng thuyên giảm, bạn có thể ngưng dùng các loại thuốc này. Tuy nhiên, bắt buộc phải dùng kháng sinh đủ liều theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngưng kháng sinh quá sớm chính là nguyên nhân gây nhiễm trùng và gia tăng biến chứng hậu phẫu.
3. Dùng món ăn mềm, lỏng
Sau khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ dặn dò nên dùng các món ăn mềm, lỏng như súp và cháo trong khoảng 3 ngày đầu. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều người, bạn nên dùng các món ăn mềm trong khoảng 7 ngày để vết thương nhanh lành. Sau khi vết thương liền miệng, bạn có thể dùng các món ăn khác nhưng tránh tuyệt đối món ăn cứng, dai, khô và nhiều gia vị.
Dùng các món ăn lỏng, mềm sẽ giúp giảm áp lực lên xương hàm. Từ đó tạo điều kiện để xương hàm phục hồi và tái tạo nhanh chóng. Ngược lại, nếu ăn những món ăn cứng, dai và khô, răng sẽ phải dùng lực mạnh để nghiền nát thức ăn. Tình trạng này ảnh hưởng đáng kể đến quá trình lành thương và phục hồi sau khi phẫu thuật.
4. Tránh tác động vào xương hàm
Trong thời gian xương hàm phục hồi, bạn nên tránh các tác động vào xương hàm. Đầu tiên, nên tránh chống cằm và tác động lực quá mạnh vào vùng mặt. Trong tuần đầu tiên, không nên xông mặt hay tập thể dục.
Khi vết thương đã lành, bạn có thể sinh hoạt thoải mái hơn nhưng vẫn nên chú ý để tránh va chạm, chấn thương. Lúc này, có thể tập thể dục để nâng cao sức khỏe và đẩy nhanh tốc độ lành thương. Tuy nhiên, cần tránh các bài tập có cường độ cao.
Khi ăn uống, chỉ nhai ở răng hàm. Không dùng răng cửa xé hoặc cắn thức ăn. Tác động trong quá trình ăn uống có thể khiến cho xương hàm bị dịch chuyển. Nếu lo ngại về vấn đề này, bạn nên dùng hoàn toàn thức ăn mềm trong suốt 1 tháng sau khi phẫu thuật.
Theo kinh nghiệm của nhiều người, bạn nên nằm ngửa trong 3 – 5 ngày đầu tiên sau khi phẫu thuật. Nằm nghiêng một bên sẽ khiến cho áp lực đổ dồn về một phía của xương hàm. Mặc dù đã được cố định bằng vis nhưng lúc này xương hàm chưa thực sự ổn định. Vì vậy, bạn nên kiêng nằm nghiêng trong vài ngày đầu để quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi hơn.
5. Nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý
Nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý là cách giúp đẩy nhanh quá trình lành thương sau khi phẫu thuật hàm hô. Các bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân nghỉ ngơi hoàn toàn trong 10 ngày đầu sau phẫu thuật. Vì vậy, bạn nên cố gắng sắp xếp công việc để có thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân. Từ ngày thứ 10 trở đi, bạn có thể sinh hoạt và đi làm trở lại nhưng cần tránh công việc lao động nặng nhọc.
Bên cạnh việc nghỉ ngơi, bạn nên chú ý đến chế độ ăn uống sau khi phẫu thuật hàm hô. Bởi một số loại thực phẩm có thể gia tăng nguy cơ sẹo lồi và gây ngứa ngáy trong quá trình lành thương. Để vết thương nhanh hồi phục, bạn nên bổ sung và kiêng một số món ăn sau:
- Không ăn rau muống, hải sản, gạo nếp, gà và trứng gà trong 10 ngày đầu tiên. Bởi những món ăn này có thể gây sẹo lồi, sẹo thâm và gây ngứa ngáy khi vết thương phục hồi.
- Tránh các món ăn cứng, dai và khô.
- Không dùng món ăn chứa nhiều gia vị, đặc biệt là muối, đường và các loại gia vị cay nóng.
- Tuyệt đối không dùng các loại thực phẩm có tiền sử dị ứng hoặc có nguy cơ dị ứng cao như sứa, tôm, ghẹ,… trong thời gian vết thương phục hồi. Lúc này, cơ thể đang khá nhạy cảm nên dễ bị dị ứng. Dị ứng thức ăn gây sưng lưỡi, môi, nổi mề đay và ảnh hưởng đáng kể đến quá trình lành thương.
- Uống đủ nước và tăng cường bổ sung vitamin, khoáng chất để đẩy nhanh tốc độ phục hồi.
- Nên ăn đủ bữa và đúng giờ kết hợp với nghỉ ngơi hợp lý để vết thương lành nhanh chóng.
- Nếu bị sưng đau nhiều và khó khăn khi nhai, bạn có thể uống sinh tố, sữa và bổ sung các loại ngũ cốc dạng pha để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể trong thời điểm này. Tránh tình trạng nhịn ăn khiến cơ thể suy nhược và quá trình lành thương bị gián đoạn, ngưng trệ.
Nhìn chung, đa số những trường hợp nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý đều có tốc độ lành thương nhanh. Với những người có cơ địa tốt, vết thương sẽ lành hẳn sau 7 – 10 ngày và xương hàm về cơ bản sẽ phục hồi sau 5 – 6 tuần.
6. Tránh thuốc lá, rượu bia
Trong suốt 6 tháng sau khi phẫu thuật hàm hô, các bác sĩ khuyến cáo bạn nên kiêng rượu bia và tránh tuyệt đối thuốc lá. Thực tế, trước khi phẫu thuật, bạn phải cai thuốc ít nhất 4 tuần để phòng ngừa viêm nhiễm và các biến chứng khác.
Nicotin và các chất độc hại trong thuốc lá ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của tế bào miễn dịch. Do đó, việc kiêng cữ thuốc lá là điều cần thiết để vết thương phục hồi hoàn toàn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hút thuốc lá làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng và hoại tử xương hàm sau khi phẫu thuật.
Cai thuốc lá hoàn toàn sau khi phẫu thuật sẽ giúp quá trình lành thương diễn ra thuận lợi và nguy cơ gặp phải biến chứng cũng giảm đi đáng kể. Đối với đồ uống chứa cồn, bạn nên kiêng trong 6 tuần đầu. Sau đó, có thể dùng bia rượu nhưng nên giới hạn liều lượng để xương hàm được phục hồi tốt nhất.
7. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Phẫu thuật hàm hô được thực hiện ở bên trong khoang miệng để tránh bị lộ sẹo. Ngoài ra, để có không gian dời xương hàm vào bên trong, bác sĩ sẽ nhổ răng số 4 hoặc số 5. Do đó, bạn cần vệ sinh răng miệng đúng cách để vết thương nhanh lành và hạn chế tình trạng viêm nhiễm.
Trong vài ngày đầu, mô mềm xung quanh xương hàm sẽ có hiện tượng sưng nhiều nên khó khăn khi há miệng. Dù vậy, bạn vẫn cần đánh răng 2 lần/ ngày và sử dụng nước súc miệng để làm sạch khoang miệng. Tuy nhiên khi làm sạch răng miệng, cần tránh vùng tiền đình hàm bởi đây là vị trí xương bị cắt bỏ. Trước khi xuất viện, bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể vấn đề này và giúp bạn xác định vị trí của vùng tiền đình hàm.
8. Tái khám thường xuyên
Tái khám thường xuyên sẽ giúp bác sĩ theo dõi sát sao tình trạng phục hồi của từng bệnh nhân. Đối với phẫu thuật hàm hô, bạn nên tái khám vào ngày thứ 2, 3 và 7 sau khi phẫu thuật. Việc tái khám thường xuyên vào thời gian này có vai trò rất quan trọng giúp bác sĩ phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng.
Nếu không có vấn đề bất thường, bạn nên quay trở lại phòng khám/ bệnh viện vào ngày thứ 10 để cắt chỉ. Sau khoảng 3 tháng, nên đến bệnh viện kiểm tra lại để chắc chắn xương hàm phục hồi hoàn toàn. Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra lại 1 năm/ lần để kịp thời xử trí các vấn đề phát sinh.
Nếu thực hiện đầy đủ những biện pháp kể trên, xương hàm sẽ hồi phục chỉ sau một thời gian ngắn. Đối với những người có cơ địa phục hồi chậm, có thể cân nhắc phương pháp phẫu thuật hàm hô kết hợp màng PRP. Phương pháp này sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu được chiết xuất từ máu của bệnh nhân để thúc đẩy tốc độ lành thương. Với sự hỗ trợ của màng PRP, quá trình phục hồi sẽ được rút ngắn còn 2 – 4 tuần thay vì 4 – 6 tuần so với trước.
Hy vọng qua những thông tin hữu ích, bạn đọc đã được giải đáp thắc mắc “Phẫu thuật hàm hô bao lâu thì lành và hết sưng?”, đồng thời trang bị được các mẹo giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi. Nếu có nhiều băn khoăn, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể hơn.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Vì Sao Ăn Trầu Lại Chắc Răng? Nghiên cứu lý giải
Chụp X quang răng có hại gì không? Giá bao nhiêu?
Hàm lệch là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử lý
Sai lệch khớp cắn là gì? Phân loại và cách điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!