Bị Viêm Lợi Có Nên Lấy Cao Răng Không? Điều Cần Lưu Ý

Bị viêm lợi có nên lấy cao răng không là thắc mắc chung của nhiều người bệnh. Trên thực tế, cao răng là một trong những nguyên nhân gây viêm lợi. Chính vì thế lấy cao răng được xem là một trong các bước ngăn ngừa và điều trị viêm lợi, hạn chế biến chứng.

Bị viêm lợi có nên lấy cao răng không
Tìm hiểu người bị viêm lợi có nên lấy cao răng không? Quy trình và những lưu ý an toàn khi thực hiện

Bị viêm lợi có nên lấy cao răng không?

Viêm lợi (viêm nướu răng) là tình trạng viêm dẫn đến sưng đỏ và đau nhức ở lợi/ nướu răng. Đây là một bệnh nha khoa phổ biến, có khả năng tiến triển nhanh dẫn đến viêm nha chu, chảy máu chân răng và nhiều tình trạng khác.

Người bị viêm lợi có nên lấy cao răng không? Theo các bác sĩ Răng Hàm Mặt, người bị viêm lợi nên lấy cao răng. Bởi đây là một phần quan trọng trong quá trình phòng ngừa và điều trị viêm lợi.

Lấy cao răng (cạo vôi răng) là kỹ thuật sử dụng dụng chuyên dụng để làm sạch mảng bám ố vàng, cao răng cứng chắc và vi khuẩn tích tụ trên bề mặt thân và chân răng. Điều này giúp răng được làm sạch hiệu quả, bề mặt chân răng nhẵn và tăng khả năng kháng khuẩn.

Đối với trường hợp viêm lợi, cạo vôi răng giúp giảm nhanh tình trạng viêm cấp, ngăn vi khuẩn làm tăng mức độ viêm. Từ đó tạo điều kiện cho lợi/ nướu (mô mềm màu hồng, bao quanh và bảo vệ răng) lành lại.

Ngược lại những trường hợp không cạo vôi răng có thể làm tăng mức độ viêm lợi. Đồng thời gây viêm ở nhiều vị trí khác, tăng mức độ đau đớn và sưng tấy, phát triển biến chứng viêm nha chu.

Vì sao bị viêm lợi khi không lấy vôi răng?

Viêm lợi chủ yếu xảy ra do vệ sinh răng miệng kém. Khi răng miệng không được làm sạch, vụn thức ăn cùng một số chất khác khiến mảng bám (mảng nhầy không màu, chứa nhiều đường và vi khuẩn) hình thành ở thân và chân răng.

Khi vi khuẩn phát triển, chúng nhanh chóng gây ra quá trình khoáng hóa, tạo ra cao răng (vôi răng) ố vàng và cứng chắc. Cao răng tăng dần độ dày, có xu hướng bám chặt ở chân răng. Chúng chỉ được loại bỏ thông qua quá trình lấy vôi răng bằng thiết bị chuyên dụng (máy cạo vôi răng).

Nếu không lấy vôi răng thường xuyên, vi khuẩn sản sinh độc tố kích thích phản ứng viêm ở mô mềm. Từ đó dẫn đến tổn thương mô nướu kèm theo sưng tấy và đau nhức (viêm lợi). Tình trạng này sẽ nghiêm trọng hơn khi cao răng tích tụ quá mức.

Vi khuẩn sản sinh độc tố cùng với cao răng dày kích thích viêm trong nướu dẫn đến sưng đau
Vi khuẩn sản sinh độc tố cùng với cao răng dày kích thích viêm trong nướu dẫn đến sưng đau

Bị viêm lợi không lấy cao răng có sao không?

Viêm lợi được xem là giai đoạn đầu của viêm nha chu. Khi vôi răng không được làm sạch và viêm lợi không được điều trị, tình trạng viêm nhiễm sẽ lan rộng.

Bên cạnh đó vi khuẩn phát triển đào sâu vào trong, gây tổn thương nặng nề ở mô nướu, dây chằng nha chu và xương ổ răng. Điều này dẫn đến viêm nha chu. Đây là một tình trạng có khả năng gây mất răng với nhiều răng lung lây khi không được kiểm soát.

Một số biến chứng khác từ viêm lợi và viêm nha chu không không cạo vôi răng:

  • Viêm lợi phì đại (viêm nướu triển dưỡng)
  • Mất nhiều răng
  • Tăng nguy cơ phát triển nhiều bệnh lý nguy hiểm
    • Bệnh tiểu đường
    • Vấn đề về tim mạch và gan
    • Nhiễm trùng máu và các cơ quan khác do vi khuẩn phát triển và đi vào tuần hoàn máu
  • Tăng nguy cơ sinh non ở bà bầu bị viêm nha chu
  • Hôi miệng
  • Khó khăn trong quá trình ăn uống

Quy trình lấy cao răng ở người viêm lợi

Lấy vôi răng (cạo vôi răng) là kỹ thuật đơn giản, được thực hiện nhanh chóng (trong vòng 20 – 30 phút). Kỹ thuật này cần được thực hiện đúng cách để tránh tổn thương thêm và gây đau đớn cho người bị viêm nướu.

Quy trình lấy cao răng ở người viêm lợi
Quy trình lấy cao răng ở người viêm lợi đơn giản, thường kéo dài khoảng 20 – 30 phút

Những bước cơ bản trong quy trình lấy vôi răng:

  • Bước 1: Thăm khám

Người bệnh được kiểm tra tình trạng viêm lợi. Một số trường hợp được yêu cầu chụp X-quang phát hiện bất thường khác trước khi cạo vôi răng.

  • Bước 2: Cạo vôi răng

Cao răng và những mảng bám trên bề mặt răng bị loại bỏ bằng thiết bị chuyên dụng (thiết bị cạo vôi răng siêu âm). Sau đó dùng tia nước phun và ống hút làm sạch cao răng bong tróc.

  • Bước 3: Làm lán gốc răng

Sau khi vôi răng và mảng bám trên răng được lấy ra, bề mặt răng được làm láng bằng thiết bị chuyên dụng. Bước này giúp mảng bám và cao răng cuối cùng bị loại bỏ hoàn toàn.

  • Bước 4: Làm sạch sâu chân răng dưới nướu

Một dụng cụ chuyên biệt sẽ được sử dụng để làm sạch sâu chân răng dưới nướu. Bước này được thực hiện cho những trường hợp có nhiều vôi răng bên dưới.

  • Bước 5: Đánh bóng răng

Bề mặt răng được đánh bóng để tăng tính thẩm mỹ và hạn chế vôi răng bám trở lại.

  • Bước 6: Súc miệng

Dùng dung dịch sát khuẩn súc miệng để làm sạch răng miệng sau khi lấy vôi răng. Bước này giúp đảm bảo vôi răng và vi khuẩn còn sót lại được loại bỏ, hỗ trợ điều trị viêm nướu hiệu quả.

Sau khi hoàn thành quá trình cạo vôi răng, người bệnh được tư vấn sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng phù hợp. Đồng thời hướng dẫn các biện pháp chăm sóc giúp ngăn viêm nướu tái phát, hạn chế cao răng tích tụ.

Lưu ý cho người viêm lợi sau lấy cao răng

Lấy cao răng không xâm lấn vào mô nướu. Tuy nhiên kỹ thuật này có thể gây đau và tăng độ nhạy cảm ở người viêm lợi. Đồng thời khiến mô nướu dễ chảy máu và sưng viêm.

Những lưu ý sau lấy cao răng có thể giúp tăng tính an toàn cho người viêm lợi:

Chăm sóc răng miệng đúng cách sau cạo vôi răng
Chăm sóc răng miệng đúng cách sau lấy vôi răng, dùng bàn chải lông mềm nhẹ nhàng làm sạch mảng bám
  • Thăm khám kỹ lưỡng, đánh giá tình trạng viêm lợi trước khi lấy cao răng.
  • Không lấy cao răng cho những người bị viêm nướu hoại tử cấp tính và viêm nha chu cấp.
  • Những trường hợp viêm nướu cần thận trọng khi lấy cao răng. Kỹ thuật này cần được thực hiện bởi bác sĩ nha khoa có kinh nghiệm để đảm bảo an toàn và làm sạch cao răng tích tụ.
  • Người bị viêm lợi lấy cao răng cần liên hệ với bác sĩ nha khoa nếu đau buốt nhiều hoặc chảy máu răng tiếp diễn.
  • Sau lấy cao răng, dùng thuốc trị viêm lợi hoặc áp dụng các phương pháp chữa trị khác theo chỉ định của bác sĩ. Điều này giúp răng và nướu sớm phục hồi hoàn toàn.
  • Uống trà gừng hoặc ngậm nước muối ấm pha loãng để giảm ê buốt sau khi lấy vôi răng hoặc có men răng yếu.
  • Chăm sóc răng miệng đúng cách sau cạo vôi răng. Cụ thể:
    • Dùng bàn chải có lông chải mềm và mảnh, nhẹ nhàng làm sạch mảng bám và vụn thức ăn.
    • Nếu răng ê buốt nhiều, hãy dùng nước ấm để súc miệng cho đến khi cảm giác ê buốt mất đi.
    • Vệ sinh nướu và lưỡi đúng cách khi chải răng.
    • Dùng kem đánh răng chứa flour để tái khoáng răng, làm mạnh men răng và tăng độ vững chắc cho răng sau khi cạo vôi răng.
    • Trong thời gian đầu, súc miệng với nước muối ấm để tránh ê buốt, làm sạch lợi và răng. Sau 5 – 7 ngày, có thể sử dụng nước súc miệng diệt khuẩn để làm sạch vi khuẩn, mảng bám và vụn thức ăn còn sót lại sau khi chải răng.
    • Tránh ăn thực phẩm chứa nhiều đường, màu nhân tạo, nhiều dầu mỡ và có tính axit. Ngoài ra không nên ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
    • Nên ăn thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất như các loại trái cây, rau củ quả, các loại đậu, hạt, uống nước ép trái cây và sữa giàu canxi. Những loại thực phẩm này giúp tăng đề kháng, cải thiện sức khỏe răng miệng và nướu.

Bài viết giúp giải đáp “Người bị viêm lợi có nên lấy cao răng không?”, quy trình tiêu chuẩn và lưu ý an toàn. Nhìn chung, người bị viêm lợi nên lấy cao răng tại nha khoa để loại bỏ vi khuẩn và cao răng đúng cách. Từ đó ngăn ngừa vi khuẩn phát triển dẫn đến biến chứng viêm nha chu.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!