Chảy máu chân răng không cầm được là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe. Tình trạng này có thể nghiêm trọng theo thời gian và gây ra không ít biến chứng, ảnh hưởng nặng nề nếu không được điều trị kịp thời.
Chảy máu chân răng không cầm được – Nguyên nhân do đâu?
Chân răng bị chảy máu là tình trạng phổ biến có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tình trạng này thường xảy ra khi đánh răng do lông chải ma sát với nướu gây trầy xước và chảy máu. Ngoài ra, chảy máu chân răng cũng có thể liên quan đến một số vấn đề nha khoa thường gặp.
Thông thường, hiện tượng chảy máu chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và giảm rõ rệt sau khi súc miệng. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng chảy máu chân răng không cầm được, máu rỉ liên tục trong nhiều giờ, đôi khi đi kèm với hiện tượng đau nhức và khó chịu.
Tất cả những biểu hiện bất thường ở răng miệng đều cho thấy cơ quan này đang bị tổn thương nghiêm trọng. Chính vì vậy, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân để có cách khắc phục phù hợp. Nếu không xử lý sớm, răng miệng có thể bị suy yếu dần theo thời gian và phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng.
Dưới đây là những nguyên nhân có thể gây chảy máu chân răng không ngừng:
1. Viêm lợi (viêm nướu răng)
Viêm lợi là nguyên nhân phổ biến nhất khiến chân răng bị chảy máu dai dẳng. Nướu răng (lợi) là cơ quan nâng đỡ và bảo vệ chân răng, tuy nhiên nướu cũng có thể bị viêm nhiễm nếu vệ sinh răng miệng không đúng cách.
Lượng cao răng tích tụ nhiều ở chân răng sẽ kích thích nướu khiến cơ quan này dễ bị sưng đỏ và chảy máu. Trong thời gian đầu, lượng máu chảy thường không nhiều và có thể thuyên giảm nhanh sau khi súc miệng. Tuy nhiên, về lâu dài, lượng cao răng và vi khuẩn sẽ gia tăng khiến cho nướu bị sưng tấy và dễ chảy máu kể cả khi có những tác động nhẹ.
Viêm nướu răng là bệnh nha khoa có mức độ nhẹ. Nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách, tình trạng sưng đau lợi sẽ thuyên giảm nhanh chóng. Ngược lại, viêm lợi không được điều trị sẽ tiến triển nặng dần theo thời gian dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề.
2. Viêm nha chu gây chảy máu chân răng không cầm được
Ngoài viêm lợi, viêm nha chu cũng có thể là nguyên nhân gây chảy máu chân răng không cầm được. Viêm nha chu là tình trạng nhiễm trùng mãn tính xảy ra ở nha chu (tổ chức bao bọc xung quanh răng bao gồm cement, nướu răng, dây chằng nha chu và xương ổ răng).
Không giống với những cơ quan khác, tình trạng nhiễm trùng ở nha chu gần như không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Chỉ khi viêm nha chu đã tiến triển và hình thành túi nha chu ở kẽ răng, răng miệng mới xuất hiện những dấu hiệu bất thường như đau nhức, răng lung lay và chảy máu chân răng.
Viêm nha chu là nguyên nhân hàng đầu gây mất răng ở người trung niên và cao tuổi. Bệnh lý này không thể điều trị dứt điểm nhưng có thể kiểm soát để ngăn chặn biến chứng. Vì bệnh không có triệu chứng điển hình nên rất nhiều trường hợp chủ quan không thăm khám. Do đó, nếu nhận thấy chảy máu chân răng không ngừng, bạn nên thăm khám sớm để kịp thời điều trị.
3. Dấu hiệu của bệnh bạch cầu
Bệnh bạch cầu (ung thư bạch cầu) là một trong những dạng ung thư thường gặp. Bệnh lý này xảy ra khi các tế bào tủy xương tăng sản bất thường. Ung thư bạch cầu được chia thành nhiều dạng nhưng đều có đặc điểm là tủy xương sản xuất quá nhiều tế bào bạch cầu. Tuy nhiên, đa phần các tế bào đều chưa trưởng thành và không thể thực hiện chức năng miễn dịch.
Sự gia tăng bất thường của tế bào bạch cầu khiến cho số lượng tế bào tiểu cầu và hồng cầu giảm. Trong đó, tiểu cầu đảm nhiệm chức năng đông máu. Khi mắc bệnh bạch cầu, các vết thương đều chậm lành và có hiện tượng chảy máu không ngừng.
Nếu nhận thấy chảy máu chân răng không cầm được, bạn nên xem xét về nguy cơ này – nhất là khi gia đình từng có người bị ung thư máu. Ngoài ra, có thể xem xét thêm một số dấu hiệu đi kèm như thiếu máu, cơ thể xanh xao, mệt mỏi, dễ bị bầm tím, đau họng, sưng hạch bạch huyết, sụt cân không chủ đích và dễ bị nhiễm trùng.
4. Do bệnh tiểu đường
Tiểu đường là bệnh nội khoa thường gặp ở người trung niên và cao tuổi. Đặc điểm của bệnh lý này là sự gia tăng mãn tính của nồng độ đường trong máu. Nồng độ đường huyết cao khiến cho sức đề kháng suy giảm và gây ra chứng khô miệng. Do đó, người bị tiểu đường dễ mắc phải các vấn đề nha khoa như viêm lợi, viêm nha chu, tụt lợi, khô miệng,…
Ngoài ra, nồng độ đường huyết cao cũng ảnh hưởng đến tốc độ đông máu và phục hồi vết thương. Vì vậy, bệnh nhân tiểu đường dễ gặp phải tình trạng chảy máu chân răng không cầm được. Để xác định chảy máu chân răng không ngừng có liên quan đến tiểu đường hay không, bạn có thể dựa vào một số triệu chứng như uống nhiều nước, khát nước liên tục, tiểu nhiều, ăn nhiều nhưng sụt cân, cơ thể mệt mỏi,…
5. Do thiếu vitamin C nghiêm trọng
Vitamin C không chỉ có tác dụng tăng sức đề kháng mà còn tham gia vào quá trình tổng hợp collagen – một loại protein dạng sợi có tác dụng liên kết các mô trong cơ thể. Nếu không cung cấp đủ vitamin C, da, nướu răng, niêm mạc, tóc và móng đều gặp phải các vấn đề bất thường.
Thiếu vitamin C nghiêm trọng khiến nướu răng trở nên lỏng lẻo và giảm độ đàn hồi, răng trở nên lung lay, dễ đau nhức và chảy máu. Thực tế, rất ít người bị thiếu hụt loại vitamin này do vitamin C có trong hầu hết các loại thực phẩm. Tuy nhiên, cơ thể có thể giảm hấp thu vitamin C do bệnh cường giáp, tiêu chảy mãn tính,…
Thiếu vitamin C có triệu chứng đa dạng, ngoài tình trạng chảy máu chân răng không ngừng bạn cũng có thể gặp phải một số triệu chứng khác. Trong đó, thường gặp nhất là hiện tượng da sần sùi, dễ bầm tím, vết thương chậm lành, cơ thể mệt mỏi và dễ mắc các bệnh viêm nhiễm.
6. Bị rối loạn đông máu
Rối loạn đông máu là tình trạng thiếu hụt các yếu tố đông máu khiến cho hiện tượng chảy máu kéo dài và không cầm được. Hiện tượng này xảy ra với tất cả các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả chân răng.
Rối loạn đông máu thường có liên quan đến di truyền, thiếu vitamin K, các bất thường ở mạch máu và quá trình tạo máu. Để xác định chảy máu chân răng không cầm được có phải do bệnh lý này hay không, bạn có thể dựa vào một số triệu chứng đi kèm như thường xuyên chảy máu cam, da xuất hiện các vết bầm tím, khớp bị sưng đau, có máu trong nước tiểu,…
7. Thay đổi nội tiết tố khi mang thai
Phụ nữ mang thai dễ bị chảy máu chân răng do sự gia tăng của hormone progesterone. Hormone này làm giãn mạch máu và tăng lượng máu tuần hoàn nhằm cung cấp đủ dưỡng chất cho thai nhi. Tuy nhiên, progesterone có thể vô tình làm tăng lượng máu ở nướu răng khiến nướu sưng đỏ, nhạy cảm và dễ chảy máu.
Với những thai phụ có cơ địa nhạy cảm, nướu răng có thể bị chảy máu kéo dài và không cầm được. Thông thường, tình trạng chảy máu chân răng khi mang thai có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị nhưng trong một số trường hợp, mẹ bầu nên có biện pháp xử lý để tránh hậu quả lâu dài.
Chảy máu chân răng không ngừng nguy hiểm không?
Chảy máu chân răng là tình trạng khá phổ biến và có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, nếu hiện tượng chảy máu kéo dài và không ngừng được, bạn nên thăm khám sớm để xác định nguyên nhân và can thiệp các phương pháp điều trị hiệu quả.
Nếu không được điều trị, chảy máu chân răng không ngừng có thể nghiêm trọng dần theo thời gian. Tình trạng này gây ra nhiều phiền toái khi ăn uống, sinh hoạt và giao tiếp. Bên cạnh đó, cảm giác khó chịu do máu chảy liên tục còn ảnh hưởng đến giấc ngủ. Không ít người bị suy nhược và mệt mỏi do chán ăn, ăn uống kém vì các vấn đề nha khoa bao gồm cả hiện tượng chảy máu chân răng không ngừng.
Như đã đề cập, chảy máu chân răng không cầm được đôi khi là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tiểu đường, rối loạn đông máu và ung thư máu. Các bệnh lý này gây ra nhiều biến chứng và đe dọa đến tính mạng. Nếu được điều trị sớm, nhiều khả năng có thể kiểm soát được bệnh. Vì vậy, bạn không nên chủ quan trước bất cứ biểu hiện nào của cơ thể và chủ động tìm gặp bác sĩ trong trường hợp cần thiết.
Cách khắc phục chảy máu chân răng không cầm được
Chảy máu chân răng không cầm được cần được điều trị sớm để tránh những ảnh hưởng lâu dài. Vì nguyên nhân gây bệnh đa dạng nên phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Các phương pháp điều trị chảy máu chân răng không cầm được:
1. Áp dụng cách cầm máu tạm thời
Khi xảy ra tình trạng chảy máu chân răng không cầm được, bạn có thể áp dụng một số cách cầm máu tạm thời. Các cách này tương đối đơn giản và có thể cầm máu trong trường hợp chảy máu chân răng kéo dài.
Một số cách cầm máu tạm thời khi bị chảy máu chân răng không ngừng:
- Cắn chặt bông gòn/ gạc: Sử dụng bông gòn hoặc gạc cắn chặt vào vị trí nướu răng bị chảy máu sẽ tạo sức ép giúp co mạch máu. Nên cắn chặt từ 15 – 30 phút để máu ngừng chảy.
- Chườm đá: Để cầm máu nhanh, bạn nên kết hợp cắn chặt bông gòn và chườm đá. Túi chườm giúp làm co mạch máu và cải thiện tình trạng chảy máu chân răng hiệu quả.
- Sử dụng túi trà đã qua sử dụng: Nếu có túi trà đã qua sử dụng, bạn có thể dùng túi trà đắp lên nướu răng. Chất tannin từ trà sẽ giúp cầm máu và giảm nhanh tình trạng chảy máu chân răng không ngừng.
Các cách cầm máu tạm thời mang lại hiệu quả khá tốt. Tuy nhiên, những cách này chỉ có tác dụng tạm thời. Nếu không tiến hành điều trị, tình trạng chảy máu sẽ tiếp tục tái phát với mức độ nghiêm trọng hơn.
2. Khám và điều trị y tế
Chảy máu chân răng không cầm được là tình trạng cần chú ý bởi đây là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe. Bạn nên sắp xếp thời gian đến phòng khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Để xác định nguyên nhân, bác sĩ sẽ khám lâm sàng, sau đó dựa vào các biểu hiện và yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm.
Nếu nguyên nhân có liên quan đến bệnh tiểu đường, ung thư máu và rối loạn đông máu, bạn cần điều trị tích cực theo hướng dẫn của bác sĩ. Các bệnh lý này đều có mức độ nghiêm trọng nên cần được điều trị và chăm sóc lâu dài.
Trong trường hợp chảy máu chân răng không cầm được do các nguyên nhân thường gặp như thiếu vitamin C, mang thai, ảnh hưởng của các bệnh nha khoa, bạn có thể điều trị tại phòng khám nha khoa. Các phương pháp điều trị được cân nhắc bao gồm:
- Cạo vôi răng: Vôi răng tích tụ nhiều ở chân răng gây kích thích lên nướu răng. Hơn nữa, vôi răng còn là môi trường để vi khuẩn phát triển, tiết ra nhiều độc tố gây kích ứng và sưng lợi. Để ngăn sự phát triển của vi khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định cạo vôi răng. Ngoài ra, bạn cũng cần tập thói quen cao vôi răng định kỳ nhằm bảo vệ sức khỏe răng miệng và phòng ngừa các vấn đề nha khoa hiệu quả.
- Phẫu thuật nạo túi nha chu: Nếu chảy máu chân răng không cầm xảy ra do viêm nha chu, bác sĩ sẽ chỉ định nạo túi nha chu. Phương pháp này được thực hiện nhằm làm sạch túi mủ, dịch ở các kẽ răng, từ đó giúp nướu phục hồi và bám chắc vào chân răng. Nạo túi nha chu không chỉ giúp cải thiện tình trạng chảy máu chân răng không ngừng mà còn giúp phòng ngừa răng lung lay và tụt lợi hở chân răng.
- Bổ sung vitamin C: Trong trường hợp thiếu vitamin C gây chảy máu chân răng, bạn cần bổ sung vitamin thông qua chế độ ăn uống. Nếu bị thiếu vitamin C nghiêm trọng, có thể sử dụng viên uống bổ sung theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Dinh dưỡng hợp lý, cân bằng: Nếu chảy máu chân răng không ngừng xảy ra khi mang thai, mẹ bầu có thể cải thiện bằng chế độ ăn hợp lý. Thiếu hụt canxi, vitamin C, D và sức đề kháng suy giảm chính là nguyên nhân gây ra một loạt các vấn đề răng miệng ở bà bầu. Do đó, thai phụ cần có chế độ ăn hợp lý và sử dụng thêm viên uống bổ sung khi cần thiết để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho bản thân và thai nhi.
Phòng ngừa chảy máu chân răng không ngừng
Chảy máu chân răng không cầm được ảnh hưởng nhiều đến khả năng ăn nhai và gây ra nhiều phiền toái khi sinh hoạt, giao tiếp. Ngoài ra, tình trạng này cũng là dấu hiệu cho thấy sức khỏe răng miệng đang gặp phải một số vấn đề. Do đó sau khi điều trị, nên có biện pháp phòng ngừa để hạn chế tái phát.
Các biện pháp phòng ngừa chảy máu chân răng không cầm được:
- Nên khám sức khỏe định kỳ 1 – 2 lần/ năm để phát hiện và điều trị kịp thời khi có dấu hiệu bất thường.
- Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng và cần đánh răng đúng cách để tránh gây tổn thương men răng, nướu răng. Ngoài chải răng 2 – 3 lần/ ngày, nên sử dụng thêm nước súc miệng, chỉ nha khoa, bàn chải lưỡi,… để khoang miệng được làm sạch hoàn toàn.
- Cạo vôi răng 1 lần/ năm để ngăn ngừa các bệnh nha khoa thường gặp như sâu răng, viêm nướu răng, viêm nha chu,…
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng và đảm bảo cung cấp đầy đủ đạm, tinh bột, chất xơ, khoáng chất và vitamin. Trong thời gian mang thai, nên trao đổi với chuyên gia để được tư vấn thực đơn ăn uống phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thai nhi.
- Hạn chế hút thuốc lá vì nicotin trong khói thuốc có thể gây khô miệng và làm mất cân bằng hệ vi sinh trong khoang miệng. Bên cạnh đó, các chất độc hại trong khói thuốc có thể làm giảm khả năng hấp thụ một số thành phần dinh dưỡng, đồng thời gây ức chế hoạt động miễn dịch và làm tổn thương mạch máu. Với những tác động tiêu cực kể trên, hút thuốc lá có thể gia tăng các bệnh nội khoa và nhiều vấn đề răng miệng.
- Chảy máu chân răng không cầm được thường do tâm lý chủ quan không thăm khám và điều trị sớm. Do đó, cần chú ý đến những triệu chứng nhỏ nhất để điều trị kịp thời. Điều trị sớm không chỉ giúp ngăn chặn biến chứng mà còn tiết kiệm chi phí và thời gian khám chữa bệnh.
Chảy máu chân răng không cầm được là tình trạng đáng lo ngại vì đây là dấu hiệu cho thấy sức khỏe răng miệng đang có vấn đề. Hơn nữa, tình trạng này cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Khi gặp phải các dấu hiệu bất thường, bạn nên thăm khám sớm để được xác định nguyên nhân và can thiệp kịp thời các phương pháp điều trị.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Bị Chảy Máu Chân Răng Khi Mang Thai: Nguyên nhân, Cách chữa
Bị Chảy Máu Chân Răng Khi Ngủ Dậy là dấu hiệu của bệnh gì?
Viêm Lợi, Chảy Máu Chân Răng Uống Thuốc Gì Nhanh Khỏi?
Chảy Máu Chân Răng Ở Trẻ Em: Nguyên Nhân và Cách Chữa
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!