Bị viêm lợi chảy máu chân răng uống thuốc gì là băn khoăn của nhiều bạn đọc. Thực tế, không phải trường hợp nào cũng cần phải dùng thuốc uống. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc sẽ phải phụ thuộc vào triệu chứng và nguyên nhân cụ thể.
Bị viêm lợi chảy máu chân răng uống thuốc gì?
Viêm lợi (viêm nướu răng) là nguyên nhân gây chảy máu chân răng thường gặp. Nướu răng là mô mềm có màu hồng nhạt hoặc hồng cam bao bọc xung quanh răng. Nướu có tác dụng cố định răng vào xương hàm, bảo vệ chân răng và các cơ quan bên trong. Tuy nhiên, khi cao răng tích tụ nhiều, hại khuẩn sẽ bài tiết nhiều độc tố khiến nướu răng bị sưng viêm, kích ứng và chảy máu.
Viêm lợi là bệnh răng miệng thường gặp và đa phần đều có mức độ nhẹ. Ngoài tình trạng chảy máu chân răng, một số trường hợp có thể bị đau nhức răng, nướu răng ứ mủ, dịch có mùi hôi khó chịu. Viêm lợi có thể điều trị dứt điểm nếu thăm khám sớm. Ngược lại, tình trạng chủ quan có thể khiến viêm nhiễm lây lan sang những cơ quan khác gây viêm nha chu, răng lung lay, tụt lợi,…
Bị viêm lợi chảy máu chân răng uống thuốc gì là băn khoăn của nhiều bạn đọc. Sử dụng thuốc có thể cải thiện các triệu chứng đau nhức, sưng đỏ nướu răng, đồng thời có thể ức chế sự phát triển của một số chủng vi khuẩn có hại trong khoang miệng. Tùy theo tình trạng cụ thể, bác sĩ Răng hàm mặt sẽ chỉ định một số nhóm thuốc sau đây:
1. Thuốc giảm đau không kê toa
Thông thường, viêm lợi nhẹ sẽ không gây đau nhiều mà chỉ có cảm giác rát và chảy máu chân răng. Tuy nhiên, nếu bị viêm lợi cấp do mọc răng, viêm lợi loét hoại tử cấp tính, loét áp tơ,… nướu có thể bị đau nhức nhiều. Thậm chí, một số trường hợp có thể bị sưng hạch góc hàm kèm theo sốt.
Nếu có triệu chứng đau kèm sốt, bác sĩ sẽ chỉ định dùng Paracetamol. Đây là loại thuốc giảm đau không kê toa được sử dụng rất phổ biến trên lâm sàng, an toàn với cả người lớn và trẻ em. Thuốc có hiệu quả giảm cơn đau nhẹ đến trung bình, đồng thời có thể hạ sốt ở những trường hợp có hiện tượng tăng thân nhiệt.
Liều lượng của Paracetamol phụ thuộc vào độ tuổi và cân nặng. Do đó, bạn nên trao đổi kỹ với dược sĩ về vấn đề này để được tư vấn liều lượng cụ thể. Nếu sử dụng đúng liều, Paracetamol hiếm khi gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bạn chỉ nên dùng thuốc tối đa 5 ngày trong trường hợp không có toa của bác sĩ.
Chống chỉ định:
- Dị ứng, quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Suy thận, suy gan nặng
- Thiếu hụt G6PD
- Thiếu máu nhiều lần
Trong thời gian sử dụng Paracetamol, nên tránh uống rượu bia và hạn chế dùng các loại thuốc gây độc cho gan. Ngoài ra, nên chú ý tác dụng ngoại ý để kịp thời thông báo với dược sĩ trong trường hợp cần thiết.
2. Thuốc kháng viêm dạng men
Các loại thuốc kháng viêm dạng men thường được sử dụng để giảm hiện tượng viêm và phù nề mô mềm do các bệnh răng miệng. Trong trường hợp viêm lợi gây chảy máu chân răng và sưng nướu nhiều, bạn có thể dùng nhóm thuốc này để cải thiện hiện tượng phù nề.
Thuốc kháng viêm thường được dùng bằng cách ngậm dưới lưỡi hoặc đường uống. Tuy nhiên, với tình trạng sưng nướu răng, viêm lợi và chảy máu chân răng, sử dụng dạng ngậm sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
Có khá nhiều loại thuốc kháng viêm dạng men được sử dụng hiện nay. Trong đó alpha-chymotrypsin (Alpha Choay) là loại thuốc thông dụng nhất. Loại thuốc này được chiết xuất từ tiền tố chymotrypsinogen trong dịch tụy bò. Thuốc có tác dụng giảm phù nề và viêm ở tổ chức mô mềm, bao gồm da, niêm mạc miệng và nướu răng.
Chống chỉ định:
- Dị ứng với bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Mắc bệnh gan nặng
- Rối loạn đông máu
- Người bị giảm alpha-1 antitrypsin (thường gặp ở người bị hội chứng thận hư, khí phế thủng và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính)
Tương tự như Paracetamol, thuốc chống viêm dạng men có thể dùng mà không cần kê toa. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, chỉ nên dùng thuốc trong thời gian ngắn. Khi sử dụng thuốc chống viêm dạng men, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ như đỏ lưỡi, rát lưỡi, tiêu chảy, táo bón và đầy hơi.
3. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Trong trường hợp viêm lợi gây đau nhức nhiều, sốt kèm theo chảy máu chân răng, bác sĩ có thể chỉ định dùng một số loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Nhóm thuốc này có tác dụng giảm đau và kháng viêm hiệu quả nên thường được dùng trong trường hợp không đáp ứng với Paracetamol.
NSAID có khá nhiều loại thuốc, trong đó có một số loại thuốc có thể dùng mà không cần kê toa. Các loại thuốc thông dụng bao gồm Ibuprofen và Diclofenac. So với thuốc giảm đau Paracetamol, các loại thuốc chống viêm không steroid ít được sử dụng hơn do có thể chảy máu kéo dài.
Nếu bị chảy máu chân răng nặng, thuốc có thể khiến máu chảy liên tục và khó cầm. Do đó, bạn chỉ nên sử dụng nhóm thuốc này nếu bị chảy máu chân răng nhẹ, lợi sưng đỏ nhiều kèm theo đau nhức và sốt, sưng hạch. Ngoài ra, nên thông báo với dược sĩ/ bác sĩ tình trạng sức khỏe để được chỉ định loại thuốc và liều lượng phù hợp.
Chống chỉ định:
- Viêm loét dạ dày tiến triển
- Tiền sử xuất huyết dạ dày
- Phụ nữ mang thai ba tháng đầu và ba tháng cuối
- Dị ứng với bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Tiền sử nổi mề đay, bùng phát cơn hen cấp khi sử dụng Aspirin và một số loại thuốc chống viêm không steroid khác
- Bệnh gan và bệnh thận nặng
Thuốc chống viêm không steroid kích thích lên niêm mạc dạ dày, thực quản. Do đó, nên sử dụng thuốc sau khi ăn no. Ngoài ra, trong thời gian sử dụng thuốc nên bổ sung nhiều chất xơ, lợi khuẩn và uống nhiều nước để giảm các tác dụng phụ như đau dạ dày, nóng rát thượng vị, đầy hơi, khó tiêu, trào ngược,…
4. Kháng sinh
Kháng sinh được cân nhắc sử dụng trong trường hợp viêm lợi tiến triển, viêm lợi loét hoại tử cấp tính,… Ngoài ra, thuốc cũng có thể được sử dụng để phòng ngừa bội nhiễm toàn thân khi bị viêm lợi miệng Herpes nguyên phát.
Như đã biết, kháng sinh là nhóm thuốc có tác dụng ức chế và tiêu diệt vi khuẩn. Nhóm thuốc này chỉ được sử dụng khi cần thiết để hạn chế nguy cơ kháng kháng sinh. Trong khoang miệng có nhiều hại khuẩn thường trú nên kháng sinh không thể tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn có hại. Do đó, nhóm thuốc này thường được dùng để ngăn ngừa và điều trị viêm nhiễm khi lợi, niêm mạc miệng có vết thương hở.
Các loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng trong trường hợp viêm lợi, chảy máu chân răng:
- Metronidazole
- Azithromycin
- Tetracycline
- Ciprofloxacin
- Amoxicillin
Kháng sinh là nhóm thuốc có nguy cơ dị ứng cao và gây ra khá nhiều tác dụng ngoại ý. Do đó, trước khi dùng thuốc, cần đánh giá xem bản thân có nằm trong nhóm đối tượng chống chỉ định hay không.
Chống chỉ định:
- Dị ứng với thuốc
- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú
- Bị viêm màng não
5. Viên uống bổ sung
Đối với những trường hợp bị viêm lợi chảy máu chân răng mãn tính, bác sĩ có thể chỉ định bổ sung một số viên uống chứa vitamin và khoáng chất. Viêm lợi mãn tính thường liên quan đến suy nhược cơ thể, hệ miễn dịch suy giảm, thiếu vitamin C, vitamin B9, B12 và sắt. Do đó, ngoài các biện pháp thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thêm viên uống bổ sung để cải thiện sức khỏe.
Các viên uống bổ sung vitamin C, sắt, vitamin D, kẽm,… thường được sử dụng để cải thiện viêm lợi gây chảy máu chân răng. Viên uống chứa vitamin B cũng có thể được sử dụng nhưng cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ do tiềm ẩn nhiều nguy cơ và tác dụng phụ.
Bên cạnh việc sử dụng viên uống bổ sung, bạn cũng nên cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể thông qua chế độ ăn lành mạnh. Hệ miễn dịch tốt sẽ giúp ức chế sự phát triển của hại khuẩn, qua đó giúp kiểm soát các vấn đề nha khoa bao gồm cả viêm lợi chảy máu chân răng.
Lưu ý khi dùng thuốc trị viêm lợi chảy máu chân răng
Sử dụng thuốc giúp cải thiện các triệu chứng do viêm lợi chảy máu chân răng gây ra. Ngoài ra, một số loại thuốc còn có thể phòng ngừa viêm nhiễm lây lan và các biến chứng nguy hiểm khác. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Bạn có thể sử dụng một số loại thuốc không cần kê toa nếu chưa có thời gian đến phòng khám/ bệnh viện. Tuy nhiên, nếu không có toa của bác sĩ, chỉ nên dùng thuốc tối đa 5 ngày. Trong trường hợp triệu chứng không thuyên giảm sau 2 – 3 ngày dùng thuốc, nên thăm khám sớm để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
- Thông báo với dược sĩ/ bác sĩ tình trạng sức khỏe, tiền sử dị ứng để được tư vấn loại thuốc phù hợp.
- Dùng thuốc đúng liều lượng và thời gian chỉ định – đặc biệt là thuốc kháng sinh. Bởi dùng kháng sinh không đều và tự ý ngưng thuốc có thể làm tăng tỷ lệ kháng kháng sinh.
- Ngoài các loại thuốc uống, bạn có thể dùng thuốc bôi và nước súc miệng sát khuẩn để kiểm soát tình trạng viêm lợi chảy máu chân răng. Các loại thuốc dùng ngoài có ưu điểm an toàn, lành tính và ít tác dụng phụ hơn so với thuốc đường uống.
- Bên cạnh việc dùng thuốc, nên đến phòng khám nha khoa để được chẩn đoán và điều trị y tế. Đối với viêm lợi chảy máu chân răng, bác sĩ thường sẽ chỉ định cạo vôi răng để làm sạch răng miệng và ngăn sự phát triển của hại khuẩn.
- Viêm lợi thường có liên quan đến sự gia tăng số lượng hại khuẩn trong khoang miệng. Do đó, trong thời gian điều trị, nên vệ sinh răng miệng kỹ. Chải răng 2 – 3 lần/ ngày bằng bàn chải lông mềm, súc miệng thường xuyên và dùng chỉ nha khoa sẽ giúp khoang miệng được làm sạch. Từ đó có thể hạn chế sự phát triển của hại khuẩn, đồng thời hỗ trợ giảm tình trạng viêm lợi và chảy máu chân răng rõ rệt.
- Trong thời gian điều trị, bạn nên dùng thức ăn mềm, ít gia vị, tăng cường bổ sung vitamin, chất xơ và lợi khuẩn để nâng cao sức đề kháng. Tránh sử dụng đồ ăn mặn, có vị cay nóng, món ăn cứng, khô và dai vì có thể kích thích lên nướu răng dẫn đến tình trạng chảy máu.
- Không sử dụng rượu bia và thuốc lá khi đang bị viêm lợi chảy máu chân răng. Cồn và nicotin có thể gây khô miệng – đây là điều kiện để các chủng vi khuẩn có hại trong khoang miệng phát triển gây hôi miệng, sưng nướu răng, răng đau nhức và dễ chảy máu.
- Ngoài chế độ ăn uống hợp lý, bạn nên giữ tinh thần thoải mái và ngủ đủ giấc để phòng ngừa stress (căng thẳng). Bởi stress làm gia tăng hormone cortisol, từ đó khiến cho các vấn đề nha khoa nói chung và viêm lợi chảy máu chân răng trở nên nghiêm trọng hơn.
Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã được giải đáp thắc mắc viêm lợi chảy máu chân răng nên uống thuốc gì. Các loại thuốc được tổng hợp trong bài viết đều là những nhóm thuốc thông dụng và có thể tìm mua tại nhà thuốc. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bạn chỉ nên dùng thuốc uống khi thực sự cần thiết.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Chảy Máu Chân Răng Không Cầm Được: Nguy hiểm chớ xem thường
Thường Xuyên Chảy Máu Chân Răng Khi Đánh Răng và Cách Khắc Phục
Bị Chảy Máu Chân Răng Nên Ăn Gì để cải thiện và phòng ngừa
Bị Chảy Máu Chân Răng Khi Ngủ Dậy là dấu hiệu của bệnh gì?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!