Thiểu sản răng sữa ở trẻ: Nguyên nhân và cách điều trị

Thiểu sản răng sữa ở trẻ em là tình trạng thiếu hụt men răng khiến răng nhanh chóng hư hỏng hoặc bị tổn thương. Tình trạng này thường xảy ra trước năm 3 tuổi và liên quan đến di truyền. Khi bị thiểu sản men răng, răng của trẻ có dấu hiệu mủn và cụt dần, xuất hiện những đốm lỗ chỗ trên răng kèm theo những biểu hiện khác.

Thiểu sản răng sữa ở trẻ em
Thiểu sản răng sữa ở trẻ em là tình trạng răng sữa của trẻ bị thiếu hụt số lượng men răng dẫn đến tổn thương

Thiểu sản răng sữa ở trẻ em là gì?

Thiểu sản răng sữa ở trẻ em (hay thiểu sản men răng ở trẻ em) là tình trạng răng sữa của trẻ bị thiếu hụt số lượng men răng dẫn đến tổn thương hoặc bị hỏng. Đặc trưng của bệnh là các rãnh hoặc những đốm lỗ chỗ hình thành trên bề mặt răng, màu sắc đậm hơn men răng.

Ngoài ra thiểu sản răng sữa còn khiến trẻ thường xuyên có cảm giác ê buốt khi ăn thực phẩm chua, quá ngọt, thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh. Thiểu sản răng sữa ở trẻ em thường khởi phát trước năm 3 tuổi nhưng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ độ tuổi nào.

Ở trẻ em, bệnh thiểu sản men răng cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh ảnh hưởng đến quá trình ăn uống. Đồng thời giảm nguy cơ mất răng sữa sớm.

Nguyên nhân gây thiểu sản răng sữa ở trẻ em

Bệnh thiểu sản răng sữa ở trẻ em có thể xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:

  • Di truyền

Di truyền chiếm phần lớn trường hợp bị thiểu sản răng sữa. Các nghiên cứu cho thấy những trẻ sinh ra trong gia đình có ba mẹ hoặc ông bà bị thiểu sản men răng, mòn men răng sẽ có nguy cơ thiểu sản răng sữa.

Thiểu sản răng sữa do di truyền không thể chữ khỏi. Mặt khác các triệu chứng có thể tiếp tục xảy ra ở răng vĩnh viễn sau khi răng sữa bị thay thế.

  • Tình trạng của mẹ bầu

Thiếu canxi và vitamin D trong thời kỳ mang thai có thể khiến trẻ chậm phát triển, tầm vóc thấp. Đồng thời tăng nguy cơ mất men răng dẫn đến bệnh thiểu sản răng sữa ở trẻ.

Trong giai đoạn mang thai, một số thói quen và tình trạng khác cũng có thể làm tăng nguy cơ thiểu sản răng sữa ở trẻ. Cụ thể:

    • Dùng chất kích thích, chẳng hạn như thuốc lá và ma túy
    • Không vệ sinh răng miệng sạch sẽ
    • Trẻ thiếu cân hoặc sinh non
    • Nhiễm trùng. Chẳng hạn như sốt tinh hồng nhiệt, giang mai, sởi, viêm phổi, rubella…
    • Mẹ bầu có thể trạng suy nhược, ăn uống thiếu chất và không được chăm sóc kỹ lưỡng trong thai kỳ
Mẹ bầu có thể trạng suy nhược, ăn uống thiếu chất, hút thuốc lá...
Mẹ bầu có thể trạng suy nhược, ăn uống thiếu chất, hút thuốc lá… có thể khiến trẻ sinh ra bị thiểu sản răng sữa
  • Chế độ dinh dưỡng kém lành mạnh

Chế độ dinh dưỡng thiếu chất khiến trẻ không được bổ sung đủ vitamin và khoáng chất cần thiết cho quá trình phát triển xương, răng (đặc biệt là canxi và vitamin D). Điều này khiến khung xương kém phát triển, chậm mọc răng.

Ngoài ra thiếu canxi và vitamin D còn khiến răng yếu, men rang mỏng. Từ đó làm tăng nguy cơ sâu răng, thiểu sản răng sữa ở trẻ em.

Thiểu sản răng sữa cũng xảy ra ở những trẻ ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều đường, tinh bột, có tính axit, thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh… Bởi những loại thực phẩm này có khả năng gây mòn men răng. Tổn thương men răng và sâu răng thường phát triển nhanh hơn khi không vệ sinh răng miệng đúng cách sau khi ăn xong.

  • Thói quen xấu

Trẻ nhỏ có xu hướng nhai kẹo, nhai thức ăn khô cứng, căn xé vật cứng và vệ sinh răng miệng chưa đúng cách. Những điều này đều góp phần làm tăng nguy cơ thiểu sản răng sữa ở trẻ em.

  • Hấp thu quá nhiều fluor

Fluor là một hợp chất cần thiết cho quá trình xây dựng răng chắc khỏe, hình thành men răng và ngà răng. Ở người có răng vĩnh viễn, fluor giúp tái khoáng men răng, bảo vệ men răng, ức chế hoạt động gây hại của vi khuẩn và duy trì răng cứng chắc.

Tuy nhiên hấp thu quá nhiều fluor có thể gây ra một số vấn đề nghiêm trọng, trong đó có thiểu sản men răng ở người lớn và trẻ em. Khi dư thừa fluor (nồng độ fluor cao trên 2mg/l ở trẻ em), những đốm nâu sẽ xuất hiện trên bề mặt răng kèm theo nhiều bất thường khác liên quan đến giảm sản men răng.

Dư thừa fluor có thể do:

  • Dùng nước sinh hoạt hoặc uống nước uống chứa fluor quá cao
  • Lạm dụng nước súc miệng hoặc kem đánh răng chứa nhiều fluor.

Dấu hiệu nhận biết thiểu sản răng sữa ở trẻ em

Khi bị thiểu sản răng sữa, trẻ nhỏ sẽ có những triệu chứng và dấu hiệu dưới đây:

Triệu chứng chứng chung

  • Những đốm trắng hoặc nâu lỗ chỗ trên bề mặt răng làm mất tính thẩm mỹ
  • Những đốm nhỏ rải rác ở một hoặc nhiều răng
  • Bề mặt răng đổi màu hoặc không đều màu, đôi khi xuất hiện những dải màu nâu vàng ngang qua bề mặt răng
  • Men răng mỏng, mềm, dễ tổn thương và sâu răng
  • Tăng độ nhạy cảm
    • Trẻ thường xuyên có cảm giác ê buốt khi ăn đồ lạnh, nóng, thực phẩm quá ngọt, chua.
    •  Mức độ ê buốt tăng dần theo thời gian. Những cơn ê buốt kéo dài có thể làm giảm chất lượng đời sống
  • Răng bị mủn và cụt dần. Răng ảnh hưởng thường bị cụt ở phía gần chân răng
  • Bề mặt của răng bị lõm hình bán nguyệt
  • Các răng ảnh hưởng dễ bị gãy.
Bề mặt của răng bị lõm hình bán nguyệt
Thiểu sản răng sữa ở trẻ em khiến răng bị lõm hình bán nguyệt, nhiều đốm trắng hoặc nâu lỗ chỗ trên bề mặt răng

Thiểu sản răng sữa do thừa Fluor

  • Đốm trắng và đốt nâu xen kẽ trên bề mặt răng.

Thiểu sản răng sữa do nhiễm trùng/ chấn thương

  • Răng chuyển sang màu nâu nhạt
  • Thay đổi màu sắc ở chân răng
  • Xuất hiện những đốm lỗ chỗ (đặc trưng của thiểu sản men răng)
  • Có thể nhiều răng hoặc chỉ một răng duy nhất bị ảnh hưởng.

Thiểu sản răng sữa do giang mai bẩm sinh

  • Răng cửa và răng cối thứ nhất thường bị ảnh hưởng
  • Hai răng cửa chênh lệch
  • Cạnh cắn bị mòn tạo thành khía chữ V, đồng thời bề mặt của răng bị lõm hình bán nguyệt. Tình trạng này được gọi là răng Hutchinson

Các kiểu thiểu sản răng sữa ở trẻ em

Bệnh thiểu sản răng sữa ở trẻ em được chia thành 4 loại dựa trên triệu chứng. Cụ thể:

  • Dạng Pit: Ở dạng Pit (hay còn gọi là dạng lỗ), những vết lõm tròn có kích thước khác nhau sẽ xuất hiện trên bề mặt răng ảnh hưởng.Tùy thuộc vào tình trạng mà chúng có thể xếp thành hàng hoặc rải rác.
  • Dạng Line: Ở dạng Line, những vệt ngang màu nâu càng sẽ xuất hiện ở những răng bị ảnh hưởng. Chúng có thể là những vệt nhỏ hoặc lớn.
  • Dạng Plane: Những trẻ bị thiểu sản răng sữa sẽ có men răng không phát triển hết. Đặc biệt đỉnh răng thường có điểm khuyết làm mất tính thẩm mỹ của hàm răng.
  • Dạng Localised: Đối với thiểu sản răng sữa ở trẻ em, Localised là dạng hiếm gặp nhất. Những trẻ bị thiểu sản men răng ở dạng Localised sẽ bị khiếm khuyết men răng, chân răng sát bờ nướu, thiếu men răng đến giữa thân răng. Phần còn lại của răng vẫn có men răng bình thường.

Thiểu sản răng sữa ở trẻ có nguy hiểm không?

Thiểu sản răng sữa ở trẻ thường có các triệu chứng tiếp tục sau thay răng, không thể phục hồi. Chính vì thế mà tình trạng này được đánh giá là một trong những bệnh răng miệng nghiêm trọng, cần được khám và điều trị sớm.

Việc điều trị sớm giúp giảm nhẹ triệu chứng, cải thiện men răng, hạn chế ê buốt, tránh vi khuẩn xâm nhập gây sâu răng và nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Ngược lại những trường hợp không điều trị có thể gặp những biến chứng dưới đây:

Răng ê buốt nghiêm trọng và kéo dài ảnh hưởng đến khả năng ăn uống
Thiểu sản răng sữa không được điều trị khiến răng ê buốt nghiêm trọng và kéo dài ảnh hưởng đến ăn uống
  • Răng ê buốt nghiêm trọng ảnh hưởng đến khả năng ăn uống
  • Những cơn ê buốt kéo dài làm giảm chất lượng cuộc sống
  • Phát triển hiện tượng hủy khoáng
  • Tăng nguy cơ sâu răng, gãy răng do răng yếu
  • Mất tính thẩm mỹ
  • Chân răng bị mòn sát tới nướu dẫn đến tuột nướu. Từ đó tạo điều kiện cho bệnh sâu răng phát triển
  • Mất răng sữa sớm, ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn của trẻ.

Chẩn đoán thiểu sản răng sữa ở trẻ em

Bệnh thiểu sản răng sữa ở trẻ dễ dàng được phát hiện trong lần thăm khám đầu tiên. Trong khi thăm khám, bác sĩ kiểm tra các đốm trắng – nâu lỗ chỗ trên bề mặt răng, mức độ ê buốt, hình thái răng, tính chất của men răng. Từ đó xác định và đánh giá thiểu sản men răng.

Ngoài ra, bệnh nhân được hỏi về tiền sử gia đình, kiểm tra các bệnh răng miệng kèm theo, các thói quen trong ăn uống và sinh hoạt. Từ đó xác định nguyên nhân gây loạn sản răng sữa.

Điều trị thiểu sản răng sữa ở trẻ như thế nào?

Dựa vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng, thiểu sản răng sữa ở trẻ được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Dưới đây là những phương pháp thường được sử dụng:

1. Bổ sung fluor

Phương pháp bổ sung flour được chỉ định cho những bệnh nhi bị thiểu sản răng sữa nhẹ, không liên quan đến tình trạng dư thừa fluor. Phương pháp này giúp bổ sung một lượng fluor thích hợp, cải thiện men răng, xây dựng lớp màng bào vệ giữ răng cứng chắc.

Ngoài ra fluor còn giúp tái khoáng men răng, răng mọc nhanh và chắc khỏe. Đồng thời ức chế hoạt động gây hại của vi khuẩn. Từ đó cải thiện bệnh thiểu sản răng sữa ở trẻ và ngăn ngừa sâu răng.

Tùy thuộc vào tình trạng, người bệnh có thể được bổ sung flour thông qua những cách dưới đây:

  • Dùng gel thoa chứa flour: Trong nhiều trường hợp, người bệnh được hướng dẫn sử dụng gel thoa chứa flour. Sản phẩm này có tác dụng cung cấp flour, tái tạo men răng mỏng và bị tổn thương. Đồng thời tái khoáng răng và giúp răng chắc khỏe. Dùng gel thoa chứa flour tạo một lớp màng bảo vệ men răng, ngăn sự tác động của vi khuẩn. Sản phẩm được dùng bằng cách bôi trực tiếp lên men răng để cung cấp.
  • Dùng flour đường uống: Đôi khi flour được bổ sung ở dạng giọt hoặc uống. Khi dùng, flour sẽ được hấp thu ở đường tiêu hóa, cải thiện nhanh các triệu chứng của thiểu sản răng sữa. Trẻ nhỏ cũng có thể được bổ sung flour bằng nước uống và muối ăn.
  • Sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng chứa flour: Để bổ sung flour, phụ huynh có thể cho trẻ sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng chứa flour. Phương pháp này giúp flour được thoa trực tiếp lên men răng. Từ đó giúp tái khoáng men răng, cải thiện thiểu sản răng sữa ở trẻ. Đối với nước súc miệng chứa flour, dùng flour 0.2% 1 lần/ tuần, flour 0.05% mỗi ngày. Tránh dùng sai liều lượng để không gây dư thừa flour.
Sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng chứa flour
Sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng chứa flour là cách bổ sung fluor đơn giản

Lưu ý: Không áp dụng đồng thời nhiều phương pháp bổ sung flour. Vì điều này có thể dẫn đến tình trạng dư thừa flour và tăng nguy cơ ngộ độc.

2. Trám răng

Trám răng phù hợp với những trẻ bị thiểu sản răng sữa ở mức độ nhẹ và vừa. Trong thủ thuật, bác sĩ làm sạch các điểm lỗ chỗ, sau đó sử dụng vật liệu trám răng (chẳng hạn như GIC, Composite) để lấp đầy vùng men răng bị thiếu.

Vật liệu trám răng có màu sắc không quá khác biệt với men răng. Điều này giúp tăng tính thẩm mỹ cho hàm răng. Ngoài ra trám răng còn giúp hạn chế vi khuẩn xâm nhập, giảm nguy cơ gãy răng và mất răng sữa sớm.

3. Bọc răng sứ

Bọc răng sứ thường không được chỉ định trong điều trị thiểu sản răng sữa ở trẻ. Tuy nhiên phương pháp này có thể cần thiết cho những trường hợp nặng, răng sữa bị hỏng rất sớm.

Khi bọc răng sứ, mão răng được dùng để bọc bên ngoài răng thật. Điều này giúp phục hình lại hình thể của răng, bảo vệ răng, tránh những kích thích bên ngoài khiến răng thêm hư hỏng.

Ngoài ra phương pháp bọc răng sứ còn giúp giảm kích thích từ thực phẩm nóng, lạnh, chua và ngọt. Đồng thời đảm bảo được chức năng nhai và có tính thẩm mỹ cao.

Biện pháp phòng ngừa thiểu sản răng sữa ở trẻ

Bổ sung dinh dưỡng cần thiết, chăm sóc răng miệng đúng cách là những biện pháp giúp phòng ngừa chứng thiểu sản răng sữa ở trẻ.

Bổ sung vitamin và khoáng chất từ các loại thực phẩm lành mạnh
Bổ sung vitamin và khoáng chất từ các loại thực phẩm lành mạnh để phòng ngừa thiểu sản răng sữa ở trẻ
  • Thiết lập chế độ ăn uống giàu vitamin A, D, C và canxi từ các loại thực phẩm lành mạnh. Cụ thể như rau lá xanh, đậu nành, sữa, sữa chua, phô mai, trứng cá muối, cá hồi, tôm cua, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi… Những thành phần dinh dưỡng này có khả năng thúc đẩy răng phát triển chắc khỏe. Đồng thời tăng lượng men răng, phòng ngừa răng tổn thương hoặc hỏng.
  • Tránh cho trẻ ăn những loại thực phẩm chứa nhiều đường, thức ăn quá chua, quá nóng hoặc quá lạnh. Bởi đây đều là những loại thực phẩm gây hại cho men răng, tăng nguy cơ phát triển thiểu sản răng sữa.
  • Chải răng mỗi ngày 2 lần và làm sạch răng miệng với nước sau khi ăn xong. Sử dụng bàn chải có lông chải mềm và mảnh, kem đánh răng và nước súc miệng có chứa flour.
  • Bổ sung hàm lượng flour cần thiết. Không lạm dụng những sản phẩm có chứa flour hoặc bổ sung chất này từ nhiều nguồn. Điều này giúp hạn chế tình trạng dư thừa flour dẫn đến bệnh thiếu sản răng sữa ở trẻ em.
  • Đánh răng đủ lâu và đúng cách để đảm bảo răng được làm sạch hoàn toàn sau khi ăn xong. Không nên đánh răng quá lâu, không chải răng quá mạnh và tránh chải ngang bởi những điều này có thể dẫn đến mòn cổ chân răng và mòn men răng nói chung.
  • Chăm sóc sức khỏe và xây dựng thói quen lành mạnh trong thời kỳ mang thai. Cụ thể:
    • Không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích khác.
    • Không nên uống rượu bia.
    • Ăn uống đều độ và lành mạnh, nên ăn nhiều rau củ quả và trái cây để đảm bảo bổ sung đầy đủ vitamin và các khoáng chất.
    • Khám thai định kỳ để sớm phát hiện và xử lý các bất thường ở thai nhi.
  • Cần cho trẻ khám nha khoa định kỳ 6 tháng 1 lần để theo dõi sức khỏe răng miệng. Từ đó phát hiện những bất thường và kịp thời xử lý. Điều này giúp hạn chế tình trạng mất răng sữa sớm và không ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn của trẻ.

Bệnh thiểu sản răng sữa ở trẻ thường phát triển trước 3 tuổi, các triệu chứng kéo dài làm giảm tính thẩm mỹ và gây khó khăn cho việc ăn uống. Quá trình chữa răng cần diễn ra sớm để cải thiện men răng, giảm nguy cơ hỏng răng và nhiều vấn đề khác. Chính vì thế phụ huynh nên đưa trẻ đến nha khoa ngay khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!