Răng Bị Ăn Mòn Chân Răng: Cách ngăn chặn và phục hồi

Răng bị ăn mòn chân răng là tình trạng cổ chân răng bị mòn men, suy yếu. Tình trạng này cần được điều trị sớm để ngăn chặn tiến triển và phòng ngừa những hậu quả lâu dài. Bên cạnh các cách phục hồi, cần thực hiện song song với các biện pháp ngăn chặn để tránh tình trạng tái phát.

răng bị ăn mòn chân răng
Răng bị ăn mòn chân răng là tình trạng khá phổ biến, xảy ra khi lớp men ở chân răng bị bào mòn và suy yếu

Răng bị ăn mòn chân răng là bệnh gì?

Răng bị ăn mòn chân răng là biểu hiện của mòn cổ chân răng. Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng lớp men ở cổ chân răng bị bào mòn và mỏng dần theo thời gian. Lúc này, cổ chân răng sẽ có hiện tượng khuyết và ngả sang màu vàng hoặc nâu đậm do ngà răng bị lộ ra bên ngoài.

Nếu không có biện pháp cải thiện, tình trạng ăn mòn chân răng sẽ nghiêm trọng dần theo thời gian. Về lâu dài, cổ chân răng sẽ xuất hiện vết mòn hình chữ V đi kèm với hiện tượng đau nhức và ê buốt nhiều – nhất là khi ăn uống. Tình trạng này làm giảm chức năng sinh lý của răng và ảnh hưởng đáng kể đến thẩm mỹ, ngoại hình.

Men răng là cơ quan có độ cứng rất cao nên có thể chống lại tác động của vi khuẩn, tác nhân vật lý và hóa học bên trong khoang miệng. Dưới sự tấn công liên tục của những yếu tố này, men răng sẽ có hiện tượng bào mòn dần theo thời gian. Tuy nhiên, nếu có thêm một số yếu tố thuận lợi, quá trình bào mòn men răng có thể diễn ra nhanh hơn, kết quả là chân răng bị ăn mòn.

Dấu hiệu nhận biết răng bị ăn mòn chân răng

Răng bị ăn mòn chân răng không có biểu hiện rõ rệt ở giai đoạn đầu. Sau một thời gian, lượng men răng bị bào mòn đáng kể sẽ làm phát sinh một số triệu chứng như:

răng bị ăn mòn chân răng
Cổ chân răng ngả sang màu vàng và vàng nâu là dấu hiệu cho thấy răng bị ăn mòn chân răng
  • Quan sát thấy phần cổ chân răng (vùng răng nằm sát với nướu răng) chuyển sang màu vàng hoặc vàng nâu. Đây là dấu hiệu cho thấy lớp men đã bị bào mòn khiến cho ngà răng bị lộ ra bên ngoài. Khác với men răng, ngà răng có màu vàng ngà thay vì màu trắng. Do đó, cần chú ý khi nhận thấy răng bị xỉn màu để phân biệt với răng ố vàng do nguyên nhân thông thường.
  • Có cảm giác ê buốt, khó chịu khi ăn uống – đặc biệt là khi dùng thức ăn lạnh, nóng, có vị chua và ngọt.
  • Một số người bị mòn cổ chân răng nặng sẽ có hiện tượng ê buốt răng ngay cả khi hít thở không khí lạnh.
  • Răng bị ăn mòn chân răng sẽ bị suy yếu hơn bình thường. Nếu chú ý, bạn sẽ nhận thấy chức năng ăn nhai giảm đi đáng kể.
  • Ăn mòn chân răng còn có thể đi kèm với hiện tượng sưng nướu răng, nướu răng chảy máu, hôi miệng,…

Ăn mòn chân răng là tình trạng khá dễ nhận biết. Ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, bạn nên thăm khám sớm để được điều trị. Nếu để lâu dài, không chỉ chức năng ăn nhai bị ảnh hưởng mà bạn cũng sẽ gặp phải nhiều phiền toái khi sinh hoạt và giao tiếp.

Nguyên nhân khiến răng bị ăn mòn chân răng

Như đã đề cập, men răng là lớp ngoài cùng của mỗi chiếc răng. Với cấu tạo 96% là muối khoáng, men răng có thể chống lại sự tấn công của vi khuẩn, tác động của nhiệt độ, ma sát và các tác nhân cơ học khác. Tuy nhiên, men răng vẫn có thể bị bào mòn dẫn đến ăn mòn chân răng do những nguyên nhân sau đây:

  • Tuổi tác cao: Tuổi tác cao là yếu tố khách quan làm gia tăng các bệnh về răng miệng, bao gồm cả ăn mòn chân răng. Khi tuổi tác cao, quá trình lão hóa diễn ra khiến cho men răng bị bào mòn dần theo thời gian. Lúc này, nướu răng cũng có hiện tượng tụt xuống làm hở chân răng và khiến cho lớp men ở chân răng dễ bị bào mòn hơn so với bình thường.
  • Di truyền: Một số người có men răng mỏng hơn so với bình thường do di truyền từ bố mẹ và anh chị em trong gia đình. Lớp men mỏng hơn bình thường đồng nghĩa với việc men răng dễ bị bào mòn, hư hại dần theo thời gian. Những người có men răng yếu, mỏng dễ bị ăn mòn chân răng, sâu răng hơn so với bình thường.
  • Thói quen ăn uống, sinh hoạt không phù hợp: Một số thói quen ăn uống, sinh hoạt có thể gia tăng nguy cơ ăn mòn chân răng. Theo các chuyên gia Răng hàm mặt, tình trạng ăn mòn chân răng có thể xảy ra do thói quen dùng thức ăn cứng, khô, dai, món ăn chứa nhiều axit,… Ngoài ra, tình trạng nhai cố định một bên, nghiến răng và thường dùng răng cắn, nhai các vật cứng đều làm tăng nguy cơ mòn chân răng.
  • Đánh răng không đúng cách: Đánh răng là biện pháp làm sạch răng miệng cơ bản được thực hiện 2 – 3 lần/ ngày. Tuy nhiên, chải răng quá mạnh và không đúng cách có thể gây mòn cổ chân răng, tụt lợi hở chân răng và nhiều bệnh lý khác.
  • Do một số bệnh lý: Răng bị ăn mòn chân răng có thể liên quan đến chứng trào ngược dạ dày thực quản, thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, viêm nha chu, sâu răng, thiểu sản men răng,… Các bệnh lý này đều đẩy nhanh tốc độ hủy khoáng khiến cho men răng ở vùng cổ chân răng bị bào mòn dần theo thời gian.
  • Các nguyên nhân khác: Ngoài những nguyên nhân trên, tình trạng răng bị ăn mòn chân răng có thể xảy ra do một số nguyên nhân khác như chấn thương, lệch khớp cắn, tác dụng phụ của một số loại thuốc, hút thuốc lá,…

Răng bị ăn mòn chân răng có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, yếu tố di truyền và thói quen sinh hoạt, ăn uống không hợp lý là nguyên nhân phổ biến nhất.

Răng bị ăn mòn chân răng có nguy hiểm không?

Răng bị ăn mòn chân răng là tình trạng đáng lo ngại và cần được thăm khám, điều trị trong thời gian sớm nhất. Bởi men răng là lớp áo giáp bảo vệ ngà răng và tủy răng. Khi men răng bị ăn mòn, vi khuẩn và những tác nhân có hại sẽ dễ dàng tấn công vào bên trong cấu trúc răng.

Ảnh hưởng đầu tiên của tình trạng ăn mòn chân răng là ê buốt, khó chịu khi ăn uống và sinh hoạt. Trường hợp cổ chân răng bị mòn nặng có thể gây ê buốt ngay cả khi hít thở không khí lạnh. Mặc dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng tình trạng này ảnh hưởng nhiều chất lượng cuộc sống.

răng bị ăn mòn chân răng
Răng bị ăn mòn chân răng thường gặp phải tình trạng ê buốt và đau nhức khi ăn uống

Ngoài ra, ăn mòn chân răng còn tạo điều kiện để các vấn đề nha khoa phát triển như:

  • Sâu răng: Chân răng bị ăn mòn khiến cho vi khuẩn Streptococcus mutans phát triển mạnh gây ra quá trình hủy khoáng. Vì lớp men răng đã bị bào mòn nên sâu răng có xu hướng tiến triển nhanh khiến răng xuất hiện lỗ sâu có kích thước lớn, răng ê buốt và đau nhức kéo dài.
  • Viêm tủy răng: Ngoài sâu răng, tình trạng răng bị ăn mòn chân răng còn là yếu tố thuận lợi để viêm tủy răng phát triển. Viêm tủy răng là hiện tượng tủy răng bị viêm nhiễm bởi vi khuẩn có hại thường trú trong khoang miệng. Tủy răng là cơ quan nuôi dưỡng và tái tạo ngà răng. Khi bị viêm tủy răng, bác sĩ buộc phải lấy tủy để ngăn ngừa biến chứng. Tình trạng này khiến cho răng không còn được nuôi dưỡng và có xu hướng suy yếu dần theo thời gian.
  • Gãy răng: Răng bị ăn mòn chân răng sẽ có hiện tượng suy yếu dần – nhất là khi cổ chân răng hình thành vết lõm hình chữ V. Lúc này, những tác động trong quá trình ăn uống hoặc chấn thương nhẹ đều có thể khiến răng bị nứt, gãy.

Ngoài những ảnh hưởng đối với sức khỏe răng miệng, răng bị ăn mòn chân răng còn gặp phải các vấn đề thẩm mỹ như răng ố vàng, xỉn màu. Tình trạng này gây ra tâm lý không thoải mái và thiếu tự tin khi giao tiếp.

Cách phục hồi răng bị ăn mòn chân răng

Ngay khi nghi ngờ răng bị ăn mòn chân răng, bạn nên đến phòng khám để được chẩn đoán và điều trị sớm. Dựa vào mức độ mòn men, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị sau đây:

1. Trám cổ chân răng

Trám răng là phương pháp được áp dụng phổ biến trong điều trị răng bị ăn mòn chân răng. Trám răng (hàn răng) là phương pháp sử dụng vật liệu lỏng để bù lấp những tổn thương ở men răng, ngà răng và tủy răng. Sau khi cho vật liệu vào cổ chân răng, bác sĩ sẽ dùng đèn Halogen để cố định miếng trám vào răng và tăng độ bám dính.

răng bị ăn mòn chân răng
Trám răng là giải pháp có thể khắc phục tình trạng răng bị ăn mòn chân răng

Có khá nhiều vật liệu được sử dụng để trám răng. Tuy nhiên, bác sĩ thường ưu tiên dùng composite vì vật liệu này có độ an toàn, lành tính cao và màu sắc tương tự như răng thật. Sau khi hàn trám, phần cổ chân răng bị ăn mòn sẽ được phục hồi hoàn toàn, răng hết bị ố vàng và không xảy ra tình trạng ê buốt, đau nhức khi ăn uống.

Miếng trám có vai trò như một lớp men răng bảo vệ ngà răng và tủy răng ở bên trong. Tuy nhiên, bản chất của composite khác với men răng thật. Do đó, miếng trám dễ bị ố vàng và chỉ có thể sử dụng khoảng vài năm. Vì vậy, sau khi trám răng, bạn nên kiêng đồ ăn, thức uống đậm màu và tái khám thường xuyên để kịp thời thay miếng trám khi cần thiết.

2. Bọc răng sứ

Bọc răng sứ là phương pháp được áp dụng trong trường hợp răng bị ăn mòn chân răng nặng, không thể phục hình bằng trám răng thông thường. Phương pháp này sử dụng mão sứ bọc bên ngoài răng thật đã bị mài nhỏ. Mão răng sứ được làm bằng sứ cao cấp có màu sắc giống hệt răng thật, độ bền cao, khả năng chịu lực và chịu nhiệt tốt.

Khi bọc răng sứ, cùi răng thật sẽ nằm ở bên trong nên sẽ không phải chịu tác động của nhiệt độ, axit từ thức ăn, vi khuẩn và lực cơ học. Ngoài ra, mão răng sứ còn có vai trò cách ly nhiệt độ, vị chua, ngọt trong thức ăn với ngà răng, từ đó cải thiện hoàn toàn tình trạng ê buốt và đau nhức khi ăn uống.

Bọc răng sứ mang lại hiệu quả cao đối với tình trạng răng bị ăn mòn chân răng. Tuy nhiên, phương pháp này có chi phí đắt hơn so với trám răng và phải xâm lấn vào răng thật. Do đó, không ít người chần chừ khi thực hiện bọc sứ trị chân răng bị ăn mòn.

3. Bổ sung fluor

Fluor là khoáng chất có tác dụng tăng độ cứng chắc của men răng. Khi men răng suy yếu và bào mòn, khả năng bảo vệ sẽ suy giảm. Theo thời gian, lớp men răng lại tiếp tục bị bào mòn dưới tác động của axit có trong thức ăn và axit do vi khuẩn thường trú trong khoang miệng bài tiết. Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng tiến triển nặng, bác sĩ có thể chỉ định bổ sung fluor bên cạnh trám răng và bọc răng sứ.

Fluor giúp tăng độ cứng cho men răng và hạn chế tối đa hiện tượng hủy khoáng. Nhờ đó, tình trạng răng bị ăn mòn chân răng sẽ được cải thiện dần theo thời gian. Bác sĩ thường bổ sung fluor bằng cách thoa một lớp gel chứa fluor lên răng, đợi trong một thời gian để fluor ngấm vào men răng và thúc đẩy phản ứng hóa học.

Liệu pháp fluor thường được thực hiện 1 – 2 lần/ năm để ngăn chặn tình trạng ăn mòn chân răng tiến triển. Ngoài ra, liệu pháp này còn mang lại hiệu quả trong việc phòng ngừa sâu răng, mòn men răng, men răng yếu và nhiều vấn đề nha khoa khác.

Ngăn chặn ăn mòn chân răng bằng cách nào?

Răng bị ăn mòn chân răng là tình trạng khá phổ biến. Men răng không có các tế bào sống nên tổn thương ở cơ quan này không thể hồi phục như ở xương và mô mềm. Vì vậy, bản thân mỗi người cần biết cách chăm sóc răng miệng và phòng ngừa ăn mòn chân răng bằng các biện pháp sau đây:

răng bị ăn mòn chân răng
Vệ sinh răng miệng đúng cách là biện pháp phòng ngừa ăn mòn chân răng và men răng yếu hiệu quả
  • Vệ sinh răng miệng đúng cách, đồng thời cần thay đổi những thói quen xấu như đánh răng quá mạnh, dùng tăm xỉa răng,…. Ngoài ra, nên lưu ý đổi bàn chải đánh răng thường xuyên và lựa chọn các sản phẩm chăm sóc răng miệng lành tính, an toàn.
  • Bổ sung khoáng chất, vitamin đầy đủ để duy trì độ chắc khỏe của răng miệng. Hạn chế các loại thức ăn và đồ uống gây mòn men như rượu bia, món ăn chứa nhiều axit, món ăn cứng, dai và khô.
  • Uống nhiều nước sau các bữa ăn để trung hòa axit do vi khuẩn bài tiết. Từ đó giúp làm chậm quá trình hủy khoáng và bảo vệ lớp men răng bên ngoài.
  • Không dùng răng cắn, nhai các vật cứng.
  • Nếu có thói quen nghiến răng, nên sử dụng máng nhai chống nghiến để bảo vệ men răng và ngà răng. Ngoài ra, cải thiện kịp thời thói quen này còn giúp hạn chế các vấn đề ở khớp thái dương hàm.
  • Cạo vôi răng 1 – 2 lần/ năm để bảo vệ sức khỏe răng miệng nói chung và phòng ngừa răng bị ăn mòn chân răng nói riêng.
  • Nếu có các vấn đề sức khỏe như trào ngược dạ dày, thiểu sản men răng, sâu răng,… nên thăm khám và điều trị sớm để hạn chế những ảnh hưởng lâu dài.

Răng bị ăn mòn chân răng ảnh hưởng nhiều đến quá trình ăn uống, sinh hoạt và làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống. Do đó, nên điều trị sớm tình trạng này để tránh các biến chứng nặng nề. Ngoài ra, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau khi điều trị để tránh tái phát.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!