Răng khôn mọc ngầm trong xương là tình trạng khá phổ biến ở người trưởng thành. Tình trạng này cần được điều trị sớm để phòng ngừa biến chứng và những ảnh hưởng đối với răng số 6, số 7.
Răng khôn mọc ngầm trong xương là gì?
Răng khôn (răng số 8) là răng vĩnh viễn mọc trong giai đoạn tuổi trưởng thành từ 17 – 25 tuổi. Răng khôn có hình dáng và kích thước tương đồng với răng số 6, số 7 và nằm ở vị trí cuối cung hàm. Nếu mọc bình thường, răng sẽ tách nướu và lộ phần thân răng lên trên. Ngược lại, không ít trường hợp gặp phải tình trạng răng khôn mọc ngầm trong xương.
Thông thường, mầm răng sẽ phát triển bên trong xương hàm, sau đó sẽ mọc lên phía trên chỉ còn chân răng ở bên trong xương hàm. Lúc này, xương hàm có chức năng cố định chân răng, đảm bảo răng ổn định, chắc chắn và không bị lung lay khi ăn uống.
Răng khôn mọc ngầm là tình trạng răng mọc ngầm bên trong xương, hoàn toàn không mọc lên phía trên như các răng thông thường. Tình trạng này thường xảy ra khi răng số 8 mọc ngang dẫn đến việc cả thân răng, chân răng đều nằm trọn bên trong xương hàm.
Cũng có những trường hợp răng khôn mọc thẳng nhưng chân răng nằm quá sâu nên phần thân răng đều nằm trọn trong xương hàm hoặc chỉ lộ một phần nhỏ lên phía trên. Răng khôn mọc ngầm thường gây đau nhức dai dẳng và gây khó khăn trong việc vệ sinh răng miệng. Chính vì vậy, bạn cần phát hiện sớm tình trạng này để có biện pháp xử lý kịp thời và đúng cách.
Vì sao răng khôn mọc ngầm trong xương?
Răng khôn là vị trí có nguy cơ mọc lệch, mọc ngầm cao hơn bất cứ răng ở vị trí nào trên cung hàm. Theo lý giải của các chuyên gia, có nhiều lý do khiến răng khôn mọc ngầm trong xương. Trong đó, các lý do thường gặp nhất là:
- Di truyền: Tất cả các đặc điểm trên cơ thể đều có khả năng di truyền bao gồm cả tình trạng răng khôn mọc ngầm. Răng khôn mọc ngầm có thể di truyền từ ba mẹ sang con cái. Do đó, bạn có thể gặp phải tình trạng này nếu gia đình có tiền sử răng khôn mọc ngầm, mọc lệch.
- Cung hàm nhỏ: Răng khôn mọc khá muộn khoảng từ 17 – 25 tuổi. Lúc này, cung hàm đã phát triển hoàn chỉnh nên gần như không còn đủ không gian cho răng số 8. Cung hàm nhỏ, không có đủ không gian để mọc răng khôn khiến cho răng mọc ngầm, mọc lệch và nằm hoàn toàn bên trong xương hàm.
- Do xương hàm cứng: Xương hàm sẽ phát triển hoàn chỉnh và trở nên cứng chắc khi đủ 18 tuổi. Lúc này, răng khôn sẽ khó có thể phát triển một cách thuận lợi như các răng vĩnh viễn khác. Xương hàm quá cứng khiến răng không thể trồi lên trên mà mọc ngang, mọc ngầm bên trong xương.
Vì những lý do trên, răng khôn thường mọc lệch, mọc ngầm trong khi đó những răng còn lại hiếm khi gặp phải tình trạng này. May mắn thay, răng số 8 không giữ vai trò quá quan trọng như răng số 6 và số 7. Vì vậy, tình trạng răng mọc lệch, mọc ngầm hoàn toàn có thể khắc phục bằng cách nhổ bỏ.
Các dấu hiệu nhận biết răng khôn mọc ngầm trong xương
Mọc răng khôn thường có triệu chứng rõ ràng, nhất là trong trường hợp răng mọc lệch và mọc ngầm. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp hoàn toàn không có triệu chứng và chỉ phát hiện khi gặp phải biến chứng.
Răng khôn mọc ngầm không lộ ra bên ngoài mà bị xương hàm, nướu răng che phủ. Chính vì vậy, bạn không thể quan sát được mà chỉ có thể dựa vào một số dấu hiệu sau:
- Nướu răng ở vị trí số 8 và xung quanh răng số 7 có dấu hiệu sưng đỏ, khi chạm vào cảm thấy đau nhức, khó chịu. Đôi khi có hiện tượng chảy mủ và rỉ dịch.
- Sốt nhẹ
- Sưng hạch góc hàm
- Cứng góc hàm, khó khăn khi ăn uống
- Răng số 7 bị đau nhức, lung lay do răng số 8 chèn ép
Các triệu chứng này thường không diễn ra liên tục mà xảy ra trong vài ngày, sau đó tái phát và tiếp tục thuyên giảm. Lý do là vì răng khôn không mọc liên tục mà mọc theo từng giai đoạn.
Răng khôn mọc ngầm trong xương có nguy hiểm không?
Răng khôn mọc ngầm trong xương là tình trạng cần điều trị sớm để phòng ngừa biến chứng. Răng mọc ngầm trong xương sẽ làm mất đi tính ổn định của xương hàm, đồng thời gia tăng các vấn đề nha khoa ở răng số 6 và số 7.
Các biến chứng có thể gặp phải nếu răng khôn mọc ngầm trong xương không được điều trị kịp thời:
- Tiêu xương răng
- Làm lung lay răng số 6, số 7
- Sâu răng số 7
- Gia tăng nguy cơ viêm nhiễm
Ngoài ra, tình trạng đau nhức, sưng nướu do răng khôn mọc ngầm cũng gây ra nhiều phiền toái khi ăn uống và sinh hoạt. Chính vì vậy, bạn nên thăm khám sớm nếu nghi ngờ răng khôn mọc lệch, mọc ngầm.
Cách xử lý răng khôn mọc ngầm trong xương
Nếu mọc thẳng, răng khôn sẽ có vai trò hỗ trợ nghiền nát thức ăn. Tuy nhiên, vai trò của răng khôn số 8 không thực sự nổi bật như răng số 6 và số 7. Do đó, đa số trường hợp răng khôn mọc ngầm trong xương đều được chỉ định nhổ bỏ.
Như đã đề cập, răng khôn mọc ngầm rất khó phát hiện thông qua mắt thường. Vì vậy, khá nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi đã xuất hiện biến chứng. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị biến chứng kết hợp với nhổ bỏ răng.
Các biện pháp được áp dụng trong trường hợp răng khôn mọc ngầm trong xương:
1. Nhổ răng khôn
Phần lớn các vấn đề ở răng khôn đều được xử lý bằng cách nhổ bỏ. Bởi răng khôn không giữ chức năng quá quan trọng và răng nằm ở cuối cung hàm nên hay gặp phải tình trạng khó làm sạch. Để phòng ngừa các vấn đề nha khoa, bác sĩ thường ưu tiên chỉ định nhổ bỏ răng ngoại trừ nhưng đối tượng chống chỉ định.
Răng khôn mọc ngầm trong xương sẽ phải thực hiện tiểu phẫu. Do đó, bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn trước khi thực hiện. Đối với răng khôn mọc ngầm, bác sĩ sẽ rạch lợi để bộc lộ xương hàm, sau đó tiến hành dùng máy cắt răng khôn thành nhiều phần nhỏ để thuận tiện cho việc nhổ bỏ.
Sau khi tiểu phẫu răng khôn mọc ngầm, bác sĩ sẽ dặn dò cách vệ sinh răng miệng và sử dụng thuốc để ngăn ngừa nhiễm trùng. Khi vết thương đã ổn định, bạn nên quay trở lại phòng khám để được đánh giá tốc độ lành thương và phát hiện kịp thời các vấn đề phát sinh.
2. Điều trị biến chứng (nếu có)
Trong trường hợp đã xảy ra biến chứng như sâu răng số 7, viêm nhiễm, áp xe răng,… bác sĩ sẽ điều trị biến chứng trước khi nhổ răng số 8. Điều trị biến chứng giúp ngăn chặn viêm nhiễm lây lan và hạn chế nguy cơ nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn.
Phòng ngừa răng khôn mọc ngầm trong xương
Thực tế, không có cách nào có thể ngăn chặn răng khôn mọc ngầm trong xương. Tuy nhiên, bạn có thể phát hiện sớm các vấn đề bất thường ở răng số 8 bằng cách khám nha khoa định kỳ 1 – 2 lần/ năm. Trong thời gian mọc răng khôn, nên chú ý những biểu hiện khác lạ để kịp thời phát hiện răng khôn mọc lệch, mọc ngầm.
Răng khôn mọc ngầm trong xương gây ra nhiều phiền toái khi ăn uống, sinh hoạt và ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe răng miệng. Nếu nghi ngờ gặp phải tình trạng này, bạn nên thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Không nên chủ quan với bất cứ biểu hiện nào bởi các vấn đề nha khoa thường sẽ nghiêm trọng hơn theo thời gian và chi phí điều trị cũng sẽ cao hơn so với việc thăm khám sớm.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Mọc Răng Khôn Bị Đau Họng: Nguyên Nhân Và Cách Xử Lý
Mách Bạn 12 Cách Cầm Máu Sau Khi Nhổ Răng Hiệu Quả Nhanh
Các Biến Chứng Khi Nhổ Răng Có Thể Gặp Nên Lưu Ý
Các Dấu Hiệu Nhiễm Trùng Sau Khi Nhổ Răng và cách nhận biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!