Răng vĩnh viễn bị sâu có thể gặp ở cả trẻ nhỏ và người trưởng thành. Mặc dù là bệnh nha khoa thường gặp nhưng sâu răng không được kiểm soát kịp thời có thể gây ra nhiều phiền toái khi ăn uống, sinh hoạt và làm tăng nguy cơ mất răng.
Răng vĩnh viễn bị sâu và dấu hiệu nhận biết
Răng vĩnh viễn là những chiếc răng được thay thế cho răng sữa trong giai đoạn từ 6 – 11 tuổi và tồn tại cho đến khi già. Tương tự như răng sữa, răng vĩnh viễn có chức năng thẩm mỹ, ăn nhai và hỗ trợ phát âm trong quá trình giao tiếp. Răng vĩnh viễn có kết cấu cứng chắc, chân răng dài và kích thước thường lớn hơn so với răng sữa.
Răng vĩnh viễn bị sâu là vấn đề nha khoa có thể gặp ở cả trẻ em và người trưởng thành. Sâu răng là một dạng nhiễm khuẩn của răng, đặc trưng bởi tình trạng mất các mô cứng ở men răng và ngà răng gây ra bởi quá trình hủy khoáng do vi khuẩn Streptococcus mutans. Quá trình hủy khoáng diễn ra âm thầm, không có triệu chứng nhưng tiến triển dai dẳng theo thời gian.
Nếu không có biện pháp điều trị kịp thời, lỗ sâu có thể tiến triển nặng gây ảnh hưởng đến chức năng nhai và sức khỏe răng miệng. Khác với răng sữa, răng vĩnh viễn tồn tại lâu dài cho đến khi già. Tình trạng sâu răng không được điều trị sớm có thể khiến răng hư hại nặng và buộc phải nhổ bỏ.
Để hạn chế những ảnh hưởng và biến chứng nặng nề, bạn nên thăm khám ngay khi nhận thấy các dấu hiệu sau:
- Ở giai đoạn đầu (sâu men), sâu răng vĩnh viễn hầu như không gây ra bất cứ triệu chứng nào. Tuy nhiên nếu chú ý, bạn sẽ nhận thấy men răng xuất hiện các vết màu trắng đục, sau đó chuyển thành các đốm có màu đen và nâu ở rãnh, kẽ, mặt nhai
- Sau một thời gian, sâu răng sẽ phát triển sang giai đoạn sâu ngà. Ở giai đoạn này, bề mặt răng sẽ xuất hiện các lỗ sâu nhỏ và tăng dần kích thước theo thời gian.
- Trong giai đoạn sâu ngà, răng bắt đầu xuất hiện triệu chứng ê buốt, đau nhức, răng nhạy cảm – nhất là khi dùng thức ăn cay nóng, chua, món ăn nóng và lạnh
- Mức độ đau tăng lên khi ăn uống và giảm khi không có các yếu tố kích thích
- Đôi khi xuất hiện mủ quanh chân răng kèm theo hôi miệng
Các triệu chứng của bệnh sâu răng tương đối mờ nhạt ở giai đoạn đầu. Do đó, đa phần các trường hợp đều chỉ phát hiện bệnh ở giai đoạn sâu răng đã tiến triển và phá hủy ngà răng.
Nguyên nhân gây sâu răng vĩnh viễn
Sâu răng vĩnh viễn là bệnh lý nha khoa thường gặp. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý này, trong đó bắt buộc phải có 3 yếu tố chính là vi khuẩn Streptococcus mutans, thời gian và mảng bám (vôi răng).
1. Cơ chế gây bệnh
Sâu răng là vấn đề nha khoa có tiến triển chậm, xảy ra một cách từ từ. Cơ chế gây bệnh luôn có sự tham gia của vi khuẩn và sự tích tụ mảng bám, cao răng. Khi vệ sinh răng miệng kém, thức ăn thừa sẽ bám vào kẽ và chân răng tạo thành vôi răng – môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển.
Sự gia tăng của mảng bám, cao răng khiến vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng và bài tiết ra các sản phẩm axit gây mòn men răng. Tuy nhiên, men răng có kết cấu cứng với nồng độ khoáng chất cao nên rất khó bị hòa tan hoàn toàn. Chính vì vậy, hiện tượng hủy khoáng phải diễn ra liên tục trong một thời gian dài mới có thể hình thành các lỗ sâu li ti trên bề mặt răng.
Nếu không có các biện pháp điều trị kịp thời, vi khuẩn sẽ phá hủy men răng. Sau đó, tấn công vào ngà răng. Khác với lớp men ngoài cùng, ngà răng có kết cấu mềm và nồng độ khoáng chất thấp hơn nên rất dễ bị hòa tan với các sản phẩm axit do vi khuẩn bài tiết. Về lâu dài, sâu răng sẽ tiếp tục phát triển ăn sâu vào tủy và chân răng dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề.
2. Nguyên nhân & yếu tố nguy cơ
Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng răng vĩnh viễn bị sâu. Trong đó, các nguyên nhân và yếu tố thường gặp nhất bao gồm:
- Vệ sinh răng miệng kém
- Hình thái, vị trí và đặc điểm của răng (các răng ở cuối cung hàm, mặt nhai lớn và nhiều rãnh kẽ thường có nguy cơ sâu răng cao hơn răng nanh và răng tiền hàm)
- Thói quen sử dụng thức ăn, đồ uống chứa đường
- Răng mọc lệch lạc, khấp khểnh thường có nguy cơ sâu răng cao hơn
- Thiếu fluor, canxi và các khoáng chất cần thiết khác
Răng vĩnh viễn bị sâu có nguy hiểm không?
Răng vĩnh viễn bị sâu là bệnh lý nha khoa thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Răng vĩnh viễn là những chiếc răng sẽ tồn tại suốt đời và không mọc lại khi bị gãy, rụng. Chính vì vậy, cần phải có sự chủ động trong việc thăm khám và điều trị để bảo tồn răng.
Sâu răng là bệnh nha khoa có tiến triển chậm và âm thầm. Do đó nếu điều trị sớm, quá trình hủy khoáng do vi khuẩn Streptococcus mutans sẽ được kiểm soát hoàn toàn. Ngược lại, tình trạng lơ là, chủ quan sẽ khiến vi khuẩn phát triển mạnh, phá hủy toàn bộ mô cứng của men răng và ngà răng.
Sâu răng vĩnh viễn thường phát triển chậm hơn so với răng sữa. Tuy nhiên nếu không can thiệp sớm, lỗ sâu có thể tiến triển nặng dần dẫn đến nhiều biến chứng và ảnh hưởng như:
- Viêm tủy răng: Tủy răng là phần trong cùng của răng được ngà răng và men răng bảo vệ. Tuy nhiên nếu không điều trị sâu răng sớm, vi khuẩn có thể phá hủy men răng, ngà răng và xâm nhập vào khoáng tủy gây viêm tủy răng. Viêm tủy răng điển hình bởi tình trạng đau nhức, ê buốt răng dữ dội, mô nướu xung quanh sưng viêm, phù nề và dễ chảy máu khi có kích thích.
- Áp xe răng: Áp xe răng cũng là biến chứng của bệnh sâu răng. Tình trạng này thường xảy ra khi vi khuẩn phát triển trong khoang tủy, sau đó di chuyển đến chóp răng và gây viêm nhiễm ở vị trí này. Áp xe là tổ chức túi mủ bao gồm dịch, tế bào bạch cầu và vi khuẩn. Áp xe răng thường gây đau nhức dữ dội, mô nướu sưng viêm kèm theo sốt và sưng hạch góc hàm.
- Mất răng vĩnh viễn: Mất răng là biến chứng nặng nề nếu răng vĩnh viễn bị sâu không được điều trị sớm. Ban đầu, lỗ sâu chỉ có kích thước nhỏ nhưng theo thời gian, lỗ sâu sẽ lớn dần khiến cấu trúc răng bị hư hại nặng. Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, toàn bộ cấu trúc răng sẽ bị phá hủy và buộc phải nhổ bỏ để đảm bảo an toàn.
- Biến chứng khác: Vi khuẩn gây sâu răng cũng có thể thoát ra khỏi lỗ chóp của chân răng và lây lan sang các cơ quan kế cận hoặc thậm chí là những cơ quan xa. Ngoài các biến chứng kể trên, răng vĩnh viễn bị sâu còn có thể gây ra một số biến chứng khác như viêm nha chu, viêm quanh chóp răng, u hạt, nang chân răng, viêm xương hàm, viêm xoang và viêm nội tâm mạc.
- Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, răng vĩnh viễn bị sâu còn tác động đến chất lượng cuộc sống. Cụ thể, các triệu chứng đau nhức, ê buốt, hôi miệng,… do bệnh lý này gây ra có thể gây mất ngủ, mệt mỏi, ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống, hiệu suất lao động và học tập. Đối với trẻ nhỏ, sâu răng còn khiến trẻ sụt cân do ăn uống kém và ngại tiếp xúc với bạn bè.
Răng vĩnh viễn bị sâu gây ra không ít ảnh hưởng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, do tiến triển chậm và triệu chứng mờ nhạt nên bệnh lý này thường bị bỏ qua, ít được thăm khám và điều trị sớm. Phần lớn các trường hợp đều chỉ đến phòng khám khi sâu răng đã gây viêm tủy răng và nhiều biến chứng nặng nề khác.
Các phương pháp điều trị răng vĩnh viễn bị sâu
Sâu răng vĩnh viễn cần được điều trị sớm để bảo tồn răng và phòng ngừa các biến chứng, ảnh hưởng nặng nề. Tùy theo mức độ sâu răng, bác sĩ sẽ xem xét chỉ định các biện pháp điều trị như:
1. Liệu pháp fluor
Fluor là khoáng chất quan trọng với sức khỏe răng miệng. Đối với những trường hợp sâu răng mới chớm, bề mặt chỉ xuất hiện các lỗ sâu li ti và những vết màu trắng đục, liệu pháp fluor có thể sửa chữa các sang thương sâu răng sớm và tăng cường sức khỏe men răng.
Sau khi được dung nạp, fluor kết hợp với hydroxyl apatite trong men răng tạo thành hợp chất fluoroaptite có kết cấu rắn chắc và ít bị hòa tan bởi axit. Điều này sẽ giúp bảo vệ men răng và ngăn không cho vi khuẩn làm mất các mô cứng của men răng, ngà răng. Ngoài ra, fluor còn giúp đẩy nhanh quá trình tái khoáng và ngăn sâu răng phát triển.
Có thể bổ sung fluor cho răng miệng bằng một số biện pháp sau:
- Thoa gel bôi chứa fluor trực tiếp lên bề mặt răng để tái khoáng men răng và bù lấp những lỗ sâu li ti.
- Dùng nước súc miệng và kem đánh răng chứa fluor cùng với các khoáng chất cần thiết để tái tạo men răng. Khi sử dụng các sản phẩm này, cần dùng sản phẩm phù hợp với độ tuổi để phòng ngừa tình trạng thừa hoặc thiếu fluor.
- Có thể sử dụng nước lọc, muối ăn và sữa có chứa fluor. Tuy nhiên, cần tính toán hàm lượng fluor bổ sung để tránh hiện tượng nhiễm độc fluor cấp và mãn tính.
- Bổ sung fluor qua một số loại thực phẩm lành mạnh như khoai tây, khoai lang, cà rốt, đậu tượng, bí đỏ, cá, tôm, cua,…
Bên cạnh fluor, bạn nên bổ sung thêm vitamin D, canxi và phốt pho qua chế độ ăn lành mạnh. Các thành phần dinh dưỡng này đều cần thiết cho quá trình tái tạo ngà răng và tái khoáng men răng.
2. Trám răng
Trám răng là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất trong điều trị sâu răng nói chung và sâu răng vĩnh viễn nói riêng. Phương pháp này sử dụng vật liệu chuyên dụng như Amalgam, Composite,… để trám bít hố rãnh và lỗ sâu do sâu răng gây ra.
Trước khi trám bít, bác sĩ sẽ tiến hành nạo bỏ lỗ sâu và sát khuẩn để tiêu diệt hại khuẩn hoàn toàn. Sau đó, dùng vật liệu tương ứng trám bít vào các rãnh, kẽ và lỗ sâu để phục hồi hình dáng răng. Đồng thời bảo vệ răng khỏi tác động của vi khuẩn, nhiệt độ, hóa chất, độc tố,…
3. Bọc răng sứ
Bọc răng sứ được chỉ định trong trường hợp sâu răng nặng gây vỡ răng hoặc lỗ sâu đã phát triển lớn không thể phục hồi bằng trám bít. Bọc răng sứ sử dụng vật liệu sứ để chế tác thành mão răng tương ứng. Sau đó, tiến hành mài cùi răng thật và dùng mão răng đắp lên cùi răng.
Bọc răng sứ có thể bảo vệ răng thật và ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập vào bên trong. Ngoài ra đối với sâu răng đã ăn vào tủy và buộc phải lấy tủy răng, bọc răng sứ còn giúp kéo dài tuổi thọ của răng, hạn chế tình trạng men răng ngả màu, răng giòn và suy yếu theo thời gian.
4. Nhổ răng
Nhổ răng là giải pháp cuối cùng khi răng vĩnh viễn bị sâu nặng, thân răng hư hại nhiều và không có khả năng hồi phục. Nhổ bỏ răng khiến răng mất hoàn toàn các chức năng vốn có và có thể gây ra hiện tượng tiêu xương hàm. Vì vậy sau khi nhổ bỏ, cần cấy ghép Implant để hạn chế biến chứng và phục hồi chức năng ăn nhai, thẩm mỹ của răng.
5. Các biện pháp chăm sóc
Các biện pháp chăm sóc có thể hỗ trợ điều trị và phòng ngừa sâu răng tái phát hiệu quả. Vì vậy trong thời gian bị sâu răng vĩnh viễn, bạn nên kết hợp thêm với các biện pháp chăm sóc như:
- Chải răng 2 – 3 lần/ ngày bằng bàn chải lông mềm, mảnh để làm sạch thức ăn và mảng bám. Ngoài ra, nên sử dụng thêm mặt chải lưỡi, chỉ nha khoa và nước súc miệng để tăng hiệu quả làm sạch răng miệng.
- Hạn chế thức ăn chứa đường để ngăn chặn sự phát triển của lỗ sâu. Carbohydrate trong đường là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển và sản sinh axit. Lượng axit sản sinh càng nhiều thì tốc độ hủy khoáng càng diễn ra nhanh chóng. Chính vì vậy, nên hạn chế bánh kẹo, nước ngọt có gas, siro, mứt,… trong thời gian điều trị sâu răng vĩnh viễn.
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu khoáng chất như cá, trứng, sữa, các loại hải sản và rau xanh. Khoáng chất giúp tăng độ cứng chắc cho răng và làm chậm tiến triển của bệnh sâu răng đáng kể.
- Sâu răng có thể tiến triển nhanh hơn nếu bị khô miệng. Vì vậy, cần đảm bảo uống đủ 2 – 2.5 lít nước/ ngày.
- Hạn chế hút thuốc lá, sử dụng răng cắn, xé các vật cứng và nên tránh dùng các loại thực phẩm cứng, khô vì có thể gây tổn thương răng. Những thói quen này vô tình khiến răng bị hư hại và tạo điều kiện cho sâu răng tiến triển nặng nề hơn.
Phòng ngừa sâu răng vĩnh viễn
Răng vĩnh viễn bị sâu gây ra không ít phiền toái trong quá trình ăn uống và sinh hoạt. Vì vậy sau khi điều trị, cần có biện pháp phòng ngừa hiệu quả để hạn chế nguy cơ bệnh tái phát.
Các biện pháp phòng ngừa răng vĩnh viễn bị sâu:
- Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng. Bên cạnh các biện pháp tại nhà như chải răng 2 – 3 lần/ ngày, dùng nước súc miệng và chỉ nha khoa, bạn nên đến phòng khám lấy cao răng định kỳ 1 – 2 lần/ năm.
- Thay đổi các thói quen ăn uống thiếu khoa học như dùng nhiều thực phẩm và thức uống chứa đường, dùng thức ăn khô, cứng, dai, lạm dụng rượu bia,… Ngoài ra, bạn nên tránh hút thuốc lá vì nicotin cùng với các chất độc hại trong khói thuốc có thể gây sâu răng, khô miệng, viêm nướu răng.
- Khám sức khỏe răng miệng định kỳ 1 lần/ năm. Người bị tiểu đường, suy giảm hệ miễn dịch và phụ nữ đang mang thai nên đến phòng khám nha khoa 2 – 3 tháng/ lần để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh lý răng miệng.
- Sử dụng các loại nước súc miệng và kem đánh răng chứa fluor để tăng cường men răng. Theo nghiên cứu, dùng định kỳ các sản phẩm chứa fluor 2 – 3 tháng/ lần có thể giảm nguy cơ sâu răng từ 20 – 40%.
Răng vĩnh viễn bị sâu có thể ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, giao tiếp và thẩm mỹ. Để hạn chế các biến chứng nặng nề và bảo tồn răng, bạn nên thăm khám và điều trị sớm ngay khi nhận thấy các biểu hiện bất thường.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Bị sâu răng nên bọc răng sứ hay nên trám?
Xiết ăn răng ở trẻ em là gì? Nguyên nhân và cách điều trị an toàn
Top 10 Cách Trị Sâu Răng Cho Bà Bầu An Toàn, Hiệu Quả
Sâu răng để lâu có gây ung thư?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!