Có rất nhiều nguyên nhân khiến răng vĩnh viễn của trẻ bị lung lay. Tùy theo mức độ lung lay và nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Can thiệp sớm sẽ giúp phục hồi răng và ngăn ngừa tình trạng mất răng ở trẻ nhỏ.
Nhận biết răng vĩnh viễn của trẻ bị lung lay
Răng vĩnh viễn sẽ được thay vào năm 6 tuổi và hoàn thành vào năm 10 – 12 tuổi tùy theo cơ địa của từng người. Khác với răng sữa, răng vĩnh viễn có độ cứng cao, chân răng dài, chắc chắn và kích thước lớn hơn. Răng vĩnh viễn một khi đã bị lung lay và gãy, rụng sẽ không thể mọc lại. Chính vì vậy, nhiều phụ huynh không khỏi băn khoăn khi nhận thấy răng vĩnh viễn của trẻ bị lung lay.
Thông thường, răng sẽ cắm sâu vào bên trong xương hàm và được cố định bằng dây chằng nha chu, mô nướu bao xung quanh. Khi một trong những cơ quan này bị tổn thương, răng vĩnh viễn sẽ có hiện tượng lung lay và lỏng lẻo. Răng lung lay là dấu hiệu cho thấy trẻ đang mắc phải các vấn đề nha khoa. Nếu không có biện pháp điều trị, răng có thể gãy, rụng và bản thân trẻ sẽ phải đối mặt với nhiều phiền toái khi ăn uống, sinh hoạt.
Để phát hiện sớm tình trạng răng vĩnh viễn của trẻ bị lung lay, phụ huynh có thể dựa vào các biểu hiện sau:
- Chạm vào răng nhận thấy răng mất đi độ chắc chắn và có dấu hiệu lung lay
- Mức độ lung lay có sự khác biệt tùy theo từng trường hợp
- Xung quanh răng lung lay sẽ có hiện tượng sưng nướu, nướu chuyển sang màu đỏ hoặc đỏ tím đi kèm với hiện tượng chảy máu chân răng.
- Một số trường hợp còn có thể gặp phải tình trạng hôi miệng
Nhìn chung, đa phần các trường hợp răng vĩnh viễn bị lung lay đều đi kèm với nhiều dấu hiệu khác nhau. Trong đó, triệu chứng sẽ có sự khác biệt về mức độ và biểu hiện tùy theo nguyên nhân cụ thể.
Nguyên nhân khiến răng vĩnh viễn của bé bị lung lay
Răng được bảo vệ bởi mô nướu, dây chằng nha chu và xương hàm. Các cơ quan này còn có vai trò cố định răng trên xương hàm và hạn chế tình trạng răng lung lay khi ăn uống. Tình trạng răng lung lay cho thấy bản thân răng và tổ chức nha chu (nướu, dây chằng nha chu, xương hàm,…) đang gặp phải vấn đề.
Đối với trẻ nhỏ, nguyên nhân khiến răng vĩnh viễn bị lung lay thường do:
1. Chấn thương
Chấn thương là nguyên nhân phổ biến khiến răng vĩnh viễn của bé bị lung lay. Tác động lực mạnh vào răng có thể khiến dây chằng nha chu bị lỏng lẻo, kết quả là răng lung lay và đau nhức. Mức độ tổn thương dây chằng nha chu sẽ tỷ lệ thuận với mức độ lung lay của răng.
Đối với những trường hợp nhẹ, dây chằng nha chu sẽ tự phục hồi sau một thời gian ngắn và tình trạng răng lung lay sẽ được cải thiện hoàn toàn. Ngược lại với những trường hợp nặng, có thể phải điều trị để hỗ trợ răng hồi phục và ngăn ngừa biến chứng mất răng.
2. Thói quen nghiến răng
Ngoài chấn thương, thói quen nghiến răng có thể là nguyên nhân khiến răng vĩnh viễn của trẻ bị lung lay. Nghiến răng là thói quen xảy ra khi ngủ với nguyên nhân không rõ ràng. Các chuyên gia cho rằng, căng thẳng quá mức có thể là yếu tố gia tăng nguy cơ dẫn đến thói quen này.
Nghiến răng tạo áp lực lên răng khiến cho chân răng bị suy yếu và răng trở nên lung lay theo thời gian. Thói quen này còn gia tăng nguy cơ mắc phải một số vấn đề răng miệng khác như mòn men răng, răng ê buốt, sâu răng, đau khớp thái dương hàm,…
3. Sâu răng nặng
Sâu răng là bệnh nha khoa phổ biến nhất ở trẻ em. Do chế độ ăn chứa nhiều đường và vệ sinh răng miệng kém nên phần lớn trẻ đều gặp phải tình trạng sâu răng.
Sâu răng có tiến triển chậm và hầu như không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên nếu không điều trị sớm, vi khuẩn gây sâu răng (Streptococcus mutans) sẽ xâm nhập vào bên trong ngà răng và tủy răng. Kết quả là gây tổn thương răng nghiêm trọng, răng đau nhức và lung lay.
4. Viêm nha chu
Viêm nha chu là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng răng lung lay và mất răng. Đối tượng chủ yếu bị viêm nha chu là người trung niên và cao tuổi. Tuy nhiên, một số trẻ cũng có thể mắc bệnh lý này.
Viêm nha chu là tình trạng nhiễm trùng mãn tính tổ chức nha chu bao gồm mô nướu, dây chằng nha chu và xương hàm. Bệnh lý này không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi răng bị lung lay và gặp khó khăn khi ăn nhai. Cách duy nhất để có thể phòng ngừa viêm nha chu là vệ sinh răng miệng đúng cách và lấy cao răng định kỳ.
5. Áp xe chân răng
Áp xe chân răng là tình trạng nhiễm trùng chân răng dẫn đến hình thành túi mủ. Tình trạng này thường có liên quan đến sâu răng nặng, viêm tủy răng hoặc có thể phát triển từ viêm nha chu.
Áp xe chân răng gây đau nhức dữ dội, nướu trở nên sưng đỏ, đôi khi có hiện tượng rỉ dịch hoặc mủ đi kèm với tình trạng hôi miệng. Nếu không điều trị sớm, ổ mủ có thể bị vỡ khiến răng lung lay và gia tăng nguy cơ nhiễm trùng lan rộng.
Răng vĩnh viễn của trẻ bị lung lay có nguy hiểm không?
Răng lung lay là dấu hiệu cho thấy răng và tổ chức nha chu đang gặp phải vấn đề. Nếu không điều trị sớm, tình trạng lung lay có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian và kết quả là mất răng, giảm chức năng ăn nhai.
Ngoài nguy cơ mất răng, răng vĩnh viễn của trẻ bị lung lay còn gây ra nhiều biến chứng nặng nề tùy vào nguyên nhân cụ thể. Nếu xảy ra do sâu răng, vi khuẩn có thể phát triển gây hư hại và tổn thương các răng lân cận. Trong khi đó, răng lung lay do viêm nha chu có thể gây mất răng, tổn thương các răng lân cận khiến răng bị xô lệch, thiếu tính ổn định và gặp nhiều khó khăn khi ăn nhai.
Tóm lại, răng vĩnh viễn bị lung lay là tình trạng đáng lo ngại. Do đó khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu này, gia đình nên cho trẻ thăm khám sớm để xác định nguyên nhân và can thiệp các phương pháp điều trị phù hợp.
Cách khắc phục răng vĩnh viễn của trẻ bị lung lay
Khi nhận thấy răng vĩnh viễn của trẻ bị lung lay, bố mẹ nên sắp xếp thời gian đến phòng khám sớm. Bởi răng lung lay có thể nghiêm trọng dần theo thời gian, từ đó gia tăng nguy cơ mất răng.
Răng vĩnh viễn sau khi bị gãy, rụng sẽ không thể mọc lại mà chỉ có thể phục hình bằng cầu răng sứ hay trồng răng Implant. Chính vì vậy, việc điều trị sớm là vô cùng cần thiết. Dưới đây là một số phương pháp được áp dụng để điều trị tình trạng răng vĩnh viễn của trẻ bị lung lay:
1. Điều trị dứt điểm các bệnh nha khoa
Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng răng lung lay ở trẻ là do các bệnh lý nha khoa. Do đó, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị để kiểm soát triệt để các vấn đề này. Sau một thời gian, răng sẽ dần hồi phục và hết hiện tượng lung lay.
Các phương pháp điều trị có thể được áp dụng trong trường hợp răng vĩnh viễn của trẻ bị lung lay:
- Trám răng: Nếu nguyên nhân là do sâu răng, bác sĩ sẽ tiến hành làm sạch lỗ sâu, sát trùng và hàn trám răng bằng vật liệu lỏng. Sau đó, sử dụng ánh sáng để tạo ra phản ứng quang trùng đông nhằm cố định miếng trám trên răng.
- Điều trị nội nha: Với những trường hợp sâu răng nặng đã gây viêm tủy răng, bác sĩ sẽ điều trị tủy để loại bỏ phần tủy răng bị viêm nhiễm và hoại tử. Sau đó, tiến hành rửa và sát khuẩn khoang tủy. Cuối cùng, bác sĩ trám bít khoang tủy và hàn trám lỗ sâu trên răng.
- Chích rạch áp xe: Trong trường hợp răng vĩnh viễn của trẻ bị lung lay do áp xe răng, bác sĩ sẽ tiến hành chích rạch áp xe. Sau khi áp xe được dẫn lưu, bác sĩ sẽ sát khuẩn khoang miệng và chỉ định trẻ dùng thuốc để ngăn ngừa viêm nhiễm. Khoảng 7 – 10 ngày, vết thương sẽ lành hẳn và tình trạng răng lung lay cũng sẽ được cải thiện rõ rệt.
- Các phương pháp điều trị viêm nha chu: Viêm nha chu là bệnh nha khoa không thể điều trị hoàn toàn. Tùy vào mức độ bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp như ghép nướu, phẫu thuật nạo túi nha chu, cạo vôi răng,… Nếu trẻ mắc phải bệnh lý này, bố mẹ nên đưa trẻ đến phòng khám lấy cao răng định kỳ 3 – 4 tháng/ lần để kiểm soát tiến triển của bệnh.
2. Sử dụng máng nhai chống nghiến
Đối với trẻ có thói quen nghiến răng khi ngủ, bác sĩ sẽ chỉ định dùng máng nhai chống nghiến. Dụng cụ này sẽ giúp hạn chế tình trạng nghiến răng, từ đó làm giảm áp lực lên răng và xương hàm. Sau một thời gian, tình trạng răng lung lay sẽ dần thuyên giảm.
Ngoài ra, đeo máng nhai chống nghiến còn giúp phòng ngừa các vấn đề răng miệng có liên quan như mòn men răng, rối loạn cơ năng khớp thái dương, răng ê buốt,…
3. Nẹp cố định răng
Đối với những trường hợp răng lung lay nhiều, bác sĩ sẽ chỉ định nẹp cố định răng để củng cố độ chắc chắn và giảm thiểu lực tác động lên răng. Phương pháp này sử dụng dây thép cố định vào răng bằng composite.
Bác sĩ sẽ cố định răng bị lung lay cùng với các răng lân cận để giúp răng giảm áp lực khi ăn nhai và có điều kiện phục hồi hoàn toàn. Phương pháp này áp dụng chủ yếu cho trường hợp bị chấn thương hoặc viêm nha chu. Tùy vào mức độ tổn thương, nẹp cố định răng sẽ phải duy trì từ 1 – 5 tháng hoặc lâu hơn.
Nẹp cố định răng sẽ được gắn ở mặt trong để hạn chế các vấn đề thẩm mỹ, Tuy nhiên, điều này sẽ gây ra khó khăn trong việc vệ sinh răng miệng và tốc độ tích tụ cao răng có thể nhanh hơn. Do đó, trong thời gian nẹp cố định răng, gia đình nên cho trẻ đến nha khoa cạo vôi răng thường xuyên và chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách.
4. Chăm sóc đúng cách
Ngoài các phương pháp trên, gia đình nên hướng dẫn trẻ thực hiện một số biện pháp chăm sóc để hỗ trợ quá trình điều trị. Các biện pháp này giúp răng hồi phục nhanh, đồng thời có thể ngăn chặn tình trạng răng lung lay tiến triển nặng và gây ra biến chứng nặng nề.
Các biện pháp chăm sóc khi răng vĩnh viễn của trẻ bị lung lay:
- Nên cho trẻ sử dụng các món ăn mềm, lỏng, dễ nhai để giảm áp lực lên răng. Ngoài ra, nên khuyên trẻ hạn chế nhai lên răng bị lung lay để răng có điều kiện phục hồi hoàn toàn.
- Hạn chế dùng thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, tránh đồ ăn chứa nhiều axit và đường.
- Hướng dẫn trẻ chải răng đúng cách, đồng thời hạn chế chải răng quá mạnh lên răng bị lung lay.
- Khuyến khích trẻ thay đổi những thói quen xấu như mút tay, đẩy lưỡi, dùng răng cắn, xé các vật cứng, bao bì,…
- Bổ sung vitamin, protein và khoáng chất để củng cố độ chắc khỏe của răng. Nhờ đó có thể đẩy nhanh quá trình hồi phục của răng bị lung lay và giúp trẻ ăn nhai dễ dàng hơn.
- Nếu trẻ bị sưng nướu và đau nhức răng, có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà để cải thiện triệu chứng.
Phòng ngừa răng vĩnh viễn lung lay cho bé bằng cách nào?
Răng vĩnh viễn bị lung lay là vấn đề đáng lo ngại vì răng không thể mọc lại như răng sữa. Hơn nữa, tình trạng lung lay cũng khiến cho trẻ gặp nhiều khó khăn khi ăn uống và sinh hoạt. Chính vì vậy, phụ huynh cần hướng dẫn và hỗ trợ trẻ thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau đây:
- Khuyến khích trẻ thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh răng miệng như chải răng 2 – 3 lần/ ngày, súc miệng bằng nước muối pha loãng và dùng chỉ nha khoa 1 lần/ ngày. Nếu trẻ lười vệ sinh răng miệng, bố mẹ nên chải răng cùng với con để chắc chắn răng miệng của trẻ đã được làm sạch trước khi đi ngủ.
- Bổ sung fluor và khoáng chất cho trẻ thông qua chế độ dinh dưỡng phù hợp. Ngoài ra, nên hạn chế cho trẻ sử dụng thức ăn chứa nhiều đường như socola sữa, bánh kẹo, nước ngọt có gas,… Thay vào đó, khuyến khích trẻ dùng các món ăn vặt lành mạnh có vị ngọt tự nhiên từ hoa quả.
- Cho trẻ đến nha khoa định kỳ 6 tháng/ lần và 3 – 4 tháng/ lần nếu đang trong thời gian thay răng. Đây là biện pháp hiệu quả nhất giúp phòng ngừa các vấn đề nha khoa, bao gồm cả tình trạng răng lung lay.
- Nếu nhận thấy trẻ có thói quen nghiến răng, bố mẹ nên đưa trẻ đến phòng khám sớm. Bởi thói quen này không chỉ là nguyên nhân khiến cho răng bị lung lay mà còn gia tăng nguy cơ răng ê buốt, mòn men, đau khớp thái dương hàm,…
- Khi trẻ bị chấn thương, nên cho trẻ thăm khám sớm dù không có triệu chứng bất thường để tránh những ảnh hưởng lâu dài.
Răng vĩnh viễn của trẻ bị lung lay có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dù do nguyên nhân nào, tình trạng này cũng đáng lo ngại vì tiềm ẩn nguy cơ mất răng vĩnh viễn. Chính vì vậy, gia đình cần cho trẻ thăm khám và điều trị sớm để phòng tránh biến chứng.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Có Nên Bọc Răng Sứ Cho Trẻ Em? Cần Lưu Ý Gì?
Danh Sách 13 Nước Súc Miệng Trẻ Em Được Khuyên Dùng
5 Cách điều trị sún răng cho trẻ an toàn hiệu quả
Răng Trẻ Bị Ố Vàng: Nguyên nhân và các biện pháp khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!