Bị Chảy Máu Chân Răng Khi Mang Thai: Nguyên nhân, Cách chữa

Sự thay đổi của hormone là nguyên nhân chủ yếu gây chảy máu chân răng khi mang thai. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể liên quan đến thiếu canxi, vệ sinh răng miệng kém, ảnh hưởng của các bệnh nha khoa,… Dù xảy ra do nguyên nhân nào, chảy máu chân răng cần được điều trị sớm để tránh những ảnh hưởng đến bà bầu và thai nhi.

chảy máu chân răng khi mang thai
Chảy máu chân răng khi mang thai thường liên quan đến sự thay đổi hormone, chế độ ăn và thói quen vệ sinh răng miệng

Nguyên nhân gây chảy máu chân răng khi mang thai

Chảy máu chân răng là một trong những vấn đề nha khoa thường gặp. Tình trạng này xảy ra chủ yếu khi đánh răng và nhai thức ăn cứng, khô. Có rất nhiều nguyên nhân gây chảy máu chân răng, trong đó phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ cao gặp phải hiện tượng này.

Mang thai là khoảng thời gian cơ thể có nhiều thay đổi. Những thay đổi trong thai kỳ giúp thai nhi phát triển thuận lợi và khỏe mạnh. Tuy nhiên, điều này vô tình gây ra nhiều vấn đề sức khỏe ở mẹ bầu. Theo thống kê, hơn 80% mẹ bầu gặp phải tình trạng chảy máu chân răng. Ở phụ nữ mang thai, chảy máu chân răng thường có liên quan đến những yếu tố như:

1. Do sự gia tăng của hormone progesterone

Khi mang thai, hormone progesterone tăng mạnh nhằm làm dày niêm mạc tử cung để phôi thai có thể làm tổ và phát triển thuận lợi. Hormone này còn thúc đẩy tuần hoàn máu để cung cấp oxy và dưỡng chất cho bào thai. Có thể nói, nồng độ progesterone ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.

Bên cạnh những lợi ích mang lại, gia tăng hormone progesterone gây ra một số vấn đề sức khỏe như chảy máu chân răng. Hormone này khiến các mạch máu trong cơ thể giãn ra để tăng lưu lượng máu tuần hoàn. Do đó, khi mang thai, nướu răng thường có hiện tượng sưng đỏ và nhạy cảm hơn bình thường.

chảy máu chân răng khi mang thai
Sự gia tăng đột ngột của progesterone là nguyên nhân chủ yếu gây chảy máu chân răng khi mang thai

Khi có các tác động như đánh răng, ăn thực phẩm cứng, dai và khô, mạch máu ở nướu răng có thể bị vỡ dẫn đến tình trạng xuất huyết (chảy máu). Tình trạng này xuất hiện ngay từ những tháng đầu thai kỳ và kéo dài trong suốt thời gian mang thai. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp chỉ bị chảy máu chân răng trong 15 tuần đầu tiên.

2. Thiếu hụt canxi

Trong thời gian mang thai, nhu cầu dinh dưỡng tăng cao – đặc biệt là canxi. Như đã biết, canxi là khoáng chất cần thiết cho sự phát triển xương, cột sống, tóc, móng,… của trẻ. Khi mang thai, nhiều mẹ bị thiếu hụt canxi do phải cung cấp một lượng lớn canxi cho thai nhi.

Thiếu canxi khiến xương khớp dễ đau nhức và răng bị suy yếu, nhạy cảm. Khi đánh răng hoặc ăn uống, nướu răng có thể bị kích thích dẫn đến tình trạng chảy máu và khó chịu. Nếu xảy ra do nguyên nhân này, chảy máu chân răng thường đi kèm với cảm giác ê buốt, răng lung lay và nhạy cảm khi ăn uống.

3. Do thay đổi thói quen ăn uống

Thói quen ăn uống có xu hướng thay đổi trong thời gian mang thai. Đa số mẹ bầu đều yêu thích các món ăn ngọt hoặc chua. Tuy nhiên, đồ ăn ngọt và chua đều gây hại cho sức khỏe răng miệng.

Axit trong các loại thực phẩm có vị chua sẽ gây mòn men, trong khi đó đồ ăn ngọt làm gia tăng tốc độ mảng bám và cao răng. Cao răng chính là môi trường để hại khuẩn phát triển gây ra quá trình hủy khoáng, khiến nướu răng sưng viêm và dễ chảy máu.

chảy máu chân răng ở bà bầu
Thường xuyên dùng thức ăn ngọt, chứa nhiều đường làm gia tăng nguy cơ chảy máu chân răng trong thai kỳ

Khi mang thai, nhu cầu dinh dưỡng tăng cao khiến mẹ bầu phải tăng khối lượng thức ăn trong mỗi bữa và ăn thêm nhiều bữa nhỏ. Việc ăn uống thường xuyên khiến răng dễ tích tụ mảng bám và cao răng. Đây chính là điều kiện để vi khuẩn có hại phát triển gây tổn thương men răng, nướu răng và gián tiếp gây ra tình trạng chảy máu chân răng khi mang thai.

4. Vệ sinh răng miệng kém

Vệ sinh răng miệng kém là một trong những nguyên nhân gây chảy máu chân răng khi mang thai. Răng miệng không được vệ sinh kỹ sẽ tạo điều kiện cho mảng bám, vôi răng tích tụ và thúc đẩy sự phát triển của hại khuẩn.

Trong thời gian mang thai, hormone progesterone gây ức chế miễn dịch để tránh hiện tượng cơ thể đào thải bào thai. Do đó, sức đề kháng ở bà bầu thường kém hơn so với người bình thường. Đây cũng là điều kiện để vi khuẩn có hại trong khoang miệng phát triển quá mức gây chảy máu chân răng và nhiều vấn đề răng miệng khác.

Những thay đổi trong quá trình mang thai sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gia tăng tốc độ tích tụ mảng bám, vôi răng. Vì vậy, mẹ bầu cần phải chú ý vệ sinh răng miệng kỹ và đúng cách.

5. Ảnh hưởng của chứng ốm nghén

Trong ba tháng đầu thai kỳ, một số mẹ bầu phải đối mặt với chứng ốm nghén. Ốm nghén đặc trưng bởi tình trạng buồn nôn, nôn mửa thường xuyên – đặc biệt là vào sáng sớm. Nôn trớ nhiều khiến dịch vị trong dạ dày đi vào khoang miệng khiến độ pH trong miệng giảm.

Ở môi trường có độ pH axit, vi khuẩn có hại sẽ phát triển mạnh và bài tiết axit gây hòa tan các mô cứng của răng. Một số chủng vi khuẩn khác có thể xâm nhập vào nướu gây sưng đỏ, đau nhức và chảy máu. Nếu chảy máu chân răng khi mang thai có liên quan đến chứng ốm nghén, tình trạng này sẽ xảy ra trong 12 tháng đầu thai kỳ.

6. Do mắc các bệnh răng miệng

Chảy máu chân răng ở bà bầu có thể là biểu hiện của một số bệnh răng miệng. Các vấn đề răng miệng sẽ gây tổn thương nướu răng, răng và những cơ quan lân cận. Vì vậy, khi có tác động, những cơ quan này sẽ bị đau nhức và chảy máu.

chảy máu chân răng ở phụ nữ mang thai
Khi bị sâu răng, viêm nướu răng, viêm nha chu,… chân răng rất dễ chảy máu khi đánh răng

Chảy máu chân răng khi mang thai có thể là dấu hiệu của một số bệnh răng miệng sau đây:

  • Viêm nướu răng (viêm lợi): Viêm lợi là vấn đề nha khoa thường gặp với biểu hiện đặc trưng là lợi sưng đỏ, đổi sang màu đỏ tươi hoặc đỏ tím, nướu nhạy cảm và dễ chảy máu. Bệnh lý này thường có liên quan đến hiện tượng tích tụ cao răng trong một thời gian dài. Cao răng tạo điều kiện cho hại khuẩn phát triển và bài tiết độc tố, độc tố từ vi khuẩn khiến nướu răng đỏ và dễ chảy máu.
  • Viêm nha chu: Viêm nha chu là tình trạng nhiễm trùng mãn tính tổ chức nha chu bao gồm nướu răng, dây chằng nha chu, cement, xương ổ răng,… Bệnh lý này thường xảy ra do viêm nướu răng không được điều trị kịp thời. Ban đầu, viêm nha chu không có triệu chứng. Sau một thời gian tiến triển, răng bắt đầu xuất hiện hiện tượng chảy máu, răng lung lay, thưa kẽ và khoang miệng có mùi hôi.
  • Tụt lợi: Tụt lợi khi mang thai có liên quan đến sự thay đổi hormone, vệ sinh răng miệng không đúng cách và thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh. Tụt lợi khiến chân răng lộ ra bên ngoài nên rất dễ bị ê buốt và chảy máu.

Nếu xảy ra do các bệnh răng miệng, chảy máu chân răng khi mang thai thường đi kèm với nhiều triệu chứng khác như răng đau nhức, ê buốt, hôi miệng, nướu răng sưng đỏ, đổi màu,…

Chảy máu chân răng khi mang thai nguy hiểm không?

Chảy máu chân răng là hiện tượng khá phổ biến ở bà bầu. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể xảy ra vào thời gian hành kinh do sự thay đổi của hormone. Nếu liên quan đến tình trạng thay đổi nội tiết, chảy máu chân răng không đáng lo ngại.

Trong trường hợp xảy ra do vệ sinh răng miệng kém, thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học hoặc do ảnh hưởng của các bệnh nha khoa, chảy máu chân răng cần được điều trị sớm. Nếu chủ quan và chậm trễ trong việc thăm khám, tình trạng có thể nghiêm trọng dần theo thời gian.

Chảy máu chân răng gây ra cảm giác khó chịu, ê buốt và khiến mẹ bầu gặp khó khăn khi ăn uống, sinh hoạt. Ngoài ra, tình trạng có thể tiến triển nặng dẫn đến những vấn đề như răng lung lay, ê buốt và tụt lợi. Khi mang thai, mẹ bầu không thể can thiệp các thủ thuật nha khoa xâm lấn. Do đó, cần chăm sóc đúng cách để làm chậm tiến triển của bệnh. Sau khi sinh nở, bác sĩ sẽ cân nhắc thực hiện một số biện pháp điều trị để cải thiện sức khỏe răng miệng.

Ít người biết rằng, các bệnh lý nha khoa cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Khi nướu răng bị sưng viêm mãn tính, các protein phản ứng C (CRP) sẽ được giải phóng. CRP tạo ra phản ứng viêm trong thành mạch khiến huyết áp của mẹ bầu tăng và gia tăng mảng xơ vữa trong động mạch. Các vấn đề tim mạch ở mẹ bầu khiến cho quá trình vận chuyển dưỡng chất ở bào thai bị gián đoạn, thai nhi phát triển chậm, nhẹ cân và phải đối mặt với nguy cơ sinh non.

Bên cạnh đó, các chất trung gian trong phản ứng viêm như interleukin, cytokine và prostaglandin có thể gia tăng khi mẹ bầu mắc các bệnh nha khoa. Trong đó, gia tăng prostaglandin có thể kích thích tử cung co bóp dẫn đến tình trạng sinh non.

Các bệnh răng miệng nói chung và chảy máu chân răng nói riêng đều gây ra những ảnh hưởng nặng nề đối với phụ nữ mang thai lẫn thai nhi. Để bảo vệ sức khỏe, mẹ bầu cần chú ý đến những vấn đề bất thường và có biện pháp điều trị, cải thiện trong thời gian sớm nhất.

Cách chữa chảy máu chân răng ở bà bầu

Chảy máu chân răng ở bà bầu cần được điều trị sớm để ngăn ngừa biến chứng. Bên cạnh đó, khắc phục tình trạng này kịp thời cũng giúp mẹ bầu thoải mái hơn khi ăn uống và sinh hoạt.

Trong thời gian mang thai, các thủ thuật nha khoa đều không được khuyến cáo thực hiện do tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác dụng ngoại ý. Do đó, để khắc phục tình trạng chảy máu chân răng, mẹ bầu có thể cân nhắc một số biện pháp sau:

1. Vệ sinh răng miệng đúng cách

Mẹ bầu có thể cải thiện chảy máu chân răng bằng các biện pháp vệ sinh răng miệng. Như đã đề cập, những thay đổi trong thời gian mang thai khiến bà bầu dễ mắc phải các vấn đề nha khoa. Vì vậy, cần thực hiện kỹ các biện pháp vệ sinh răng miệng trong suốt thai kỳ.

chảy máu chân răng ở phụ nữ mang thai
Vệ sinh răng miệng đúng cách giúp cải thiện chảy máu chân răng ở phụ nữ mang thai hiệu quả

Cách vệ sinh răng miệng giúp cải thiện chảy máu chân răng khi mang thai:

  • Trong thai kỳ, răng và nướu răng sẽ trở nên nhạy cảm hơn bình thường. Do đó, mẹ bầu nên chọn bàn chải có kích thước nhỏ, lông chải mềm và mảnh để dễ dàng làm sạch răng miệng.
  • Chải răng đúng cách từ 2 – 3 lần/ ngày để loại bỏ thức ăn thừa và mảng bám. Khi đánh răng, mẹ nên thực hiện nhẹ nhàng vì nướu răng đang nhạy cảm, dễ đau nhức và chảy máu.
  • Sử dụng nước súc miệng chứa fluor, zinc và chlorhexidine để ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại, đồng thời sát khuẩn và đẩy nhanh quá trình tái khoáng. Dùng các sản phẩm súc miệng 2 lần/ ngày có thể ngăn ngừa các bệnh nha khoa thường gặp như sâu răng, viêm nướu răng, viêm nha chu,…
  • Mẹ bầu nên dùng thêm chỉ nha khoa hoặc máy tăm nước để dễ dàng làm sạch kẽ răng.
  • Mỗi tuần nên làm sạch lưỡi 1 lần để ngăn ngừa sự phát triển quá mức của vi khuẩn. Cách này vừa giúp ổn định môi trường sinh lý của khoang miệng vừa cải thiện tình trạng hơi thở có mùi hiệu quả.
  • Sau các bữa ăn nhẹ, mẹ bầu nên súc miệng với nước sạch và nhai kẹo cao su không đường để ngăn ngừa mảng bám. Từ đó giúp phòng ngừa các vấn đề nha khoa và hạn chế tình trạng hôi miệng khi mang thai.

Sau khi điều chỉnh cách vệ sinh răng miệng, tình trạng chảy máu chân răng sẽ được cải thiện rõ rệt. Trong trường hợp mắc các bệnh nha khoa như sâu răng, viêm nha chu,… làm sạch răng miệng kỹ sẽ giúp làm chậm tiến triển của bệnh. Sau khi sinh nở và sức khỏe đã ổn định, mẹ bầu có thể can thiệp các thủ thuật nha khoa để điều trị dứt điểm các bệnh lý này.

2. Cạo vôi răng

Trong thời gian mang thai, cạo vôi răng không được khuyến cáo. Tuy nhiên, nếu lượng vôi răng tích tụ nhiều gây sưng nướu, chảy máu chân răng và hôi miệng, mẹ bầu có thể lấy vôi răng vào 3 tháng giữa thai kỳ. Đây là thời điểm thai nhi đã ổn định và ít nhạy cảm nên có thể thực hiện một số thủ thuật đơn giản.

Cạo vôi răng giúp loại bỏ vôi răng tích tụ ở mặt nhai, thân răng, kẽ răng và bên dưới chân răng. Khi vôi răng bị loại bỏ, lượng vi khuẩn có hại trong khoang miệng sẽ giảm đi đáng kể. Từ đó giúp cải thiện tình trạng nướu sưng đỏ, chảy máu, đau nhức và hỗ trợ làm giảm chứng hôi miệng.

chảy máu chân răng ở phụ nữ mang thai
Nếu cần thiết, mẹ bầu có thể cạo vôi răng trong 3 tháng giữa thai kỳ để giảm tình trạng chảy máu chân răng

Cạo vôi răng khi mang thai còn làm chậm tiến triển của các bệnh nha khoa và phòng ngừa một số vấn đề răng miệng thường gặp. Trên thực tế, bác sĩ sẽ đánh giá sức khỏe của từng mẹ bầu để cân nhắc có thể cạo vôi răng hay không. Đối với những người đang có ý định mang thai, các bác sĩ khuyến khích nên thăm khám và xử lý sớm các vấn đề nha khoa để tránh tình huống phát sinh trong thai kỳ.

3. Thay đổi cách ăn uống, sinh hoạt

Ngoài những cách trên, mẹ bầu cũng có thể cải thiện chảy máu chân răng bằng lối sống khoa học. Thực tế, một số thói quen xấu khi sinh hoạt và ăn uống chính là nguyên nhân khiến bà bầu bị chảy máu chân răng, răng ê buốt và đau nhức. Do đó, mẹ bầu nên thay đổi những thói quen sau đây:

  • Hạn chế dùng thức ăn quá chua và quá ngọt. Thay vì dùng bánh kẹo, mẹ bầu có thể dùng các loại quả, hạt có vị ngọt tự nhiên. Ngoài ra, có thể sử dụng mật ong, mật dừa và quả chà là thay cho đường để tránh bị sâu răng khi mang thai.
  • Trong bữa ăn, nên tăng cường bổ sung chất xơ và uống đủ 2.5 – 3 lít mỗi ngày. Chất xơ và hàm lượng nước dồi dào giúp làm sạch khoang miệng, hạn chế tích tụ mảng bám, vôi răng và trung hòa axit do vi khuẩn bài tiết.
  • Mẹ bầu cũng nên hạn chế các món ăn, thực phẩm dễ tích tụ mảng bám như chè, xôi, các món ăn từ gạo nếp, khoai lang, bánh mì,…
  • Nếu bị ốm nghén, nên súc miệng sạch sau khi nôn ói để tránh tình trạng hôi miệng và mòn men răng.
  • Bổ sung đầy đủ đạm, vitamin và khoáng chất thông qua thực đơn ăn uống khoa học. Chế độ ăn hợp lý giúp mẹ bầu cải thiện tình trạng chảy máu chân răng và răng ê buốt do thiếu hụt canxi.

Sau khi áp dụng các biện pháp kể trên, tình trạng chảy máu chân răng khi mang thai sẽ được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, nếu tình trạng nghiêm trọng dần theo thời gian và đi kèm với các biểu hiện bất thường, mẹ bầu nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt.

Chảy máu chân răng khi mang thai là tình trạng khá phổ biến. Nếu biết cách chăm sóc răng miệng và ăn uống hợp lý, tình trạng sẽ được cải thiện nhanh chóng. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, mẹ bầu nên chủ động tìm gặp bác sĩ để được tư vấn giải pháp hiệu quả và an toàn.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!