Hôi miệng là tình trạng hơi thở có mùi khó chịu gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng trong đó có hơn 90% trường hợp xảy ra do các vấn đề răng miệng.
Dấu hiệu bị hôi miệng
Hôi miệng là tình trạng phổ biến, có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào. Tình trạng này có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân như thói quen sinh hoạt, ăn uống, các vấn đề trong khoang miệng, tai mũi họng, hệ tiêu hóa,… Tuy nhiên theo số liệu thống kê, phần lớn các trường hợp hôi miệng đều có liên quan đến các bệnh lý răng miệng (khoảng 90%).
Các dấu hiệu nhận biết tình trạng hôi miệng:
- Dùng hai bàn tay khum lại che phần miệng và hà hơi vào lòng bàn tay, hít mùi từ bàn tay để nhận biết tình trạng hôi miệng.
- Trường hợp hôi miệng nặng có thể cảm nhận được mùi khó chịu khi giao tiếp, hắt hơi mà không cần phải sử dụng biện pháp như trên.
- Để đánh giá mức độ hôi miệng, có thể hỏi trực tiếp ý kiến từ người thân và bạn bè đáng tin cậy
- Luôn cảm thấy hơi thở có mùi, thiếu tự tin và e ngại khi giao tiếp, sinh hoạt.
Hôi miệng là triệu chứng rất phổ biến và có thể gặp ở cả trẻ nhỏ, người lớn và người cao tuổi. Tình trạng này thường chỉ diễn ra khoảng vài ngày nếu xảy ra do các nguyên nhân tạm thời. Ngược lại, hôi miệng cũng có thể kéo dài dai dẳng do ảnh hưởng của các vấn đề sức khỏe.
Top 10+ Nguyên nhân gây hôi miệng phổ biến
Như đã đề cập, có rất nhiều nguyên nhân gây hôi miệng trong đó phổ biến nhất là các vấn đề về răng miệng (hơn 90%). Dưới đây là 10+ nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng hơi thở có mùi:
1. Vệ sinh răng miệng kém
Khoang miệng là nơi cư trú của khoảng 50 tỷ vi khuẩn, bao gồm các vi khuẩn vô hại và các vi khuẩn có hại. Thông thường, hệ vi sinh trong khoang miệng sẽ được duy trì ở mức cân bằng để tránh các vấn đề về nha khoa, viêm họng, viêm amidan,… Khi vi khuẩn được kiểm soát ở mức ổn định, khoang miệng thường không có mùi hôi khó chịu.
Ngược lại nếu không vệ răng miệng đúng cách, vi khuẩn có thể phát triển và sinh sôi quá mức dẫn đến hiện tượng hơi thở có mùi khó chịu. Tình trạng này kéo dài còn làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh lý nha khoa như sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu, viêm tủy răng,…
2. Do sử dụng thực phẩm, thức uống nặng mùi
Hôi miệng cũng có thể xảy ra do sử dụng thực phẩm, thức uống nặng mùi. Ngoài ra, dùng một số loại thức uống gây khô miệng cũng có thể gián tiếp gây ra tình trạng hơi thở có mùi khó chịu.
Các loại thực phẩm, thức uống có thể gây ra tình trạng hôi miệng:
- Các loại thực phẩm có mùi nồng: Dùng hành, tỏi, thức ăn được muối chua, các loại mắm,… dễ gây hôi miệng vì bản thân các loại thực phẩm này đã có mùi khó chịu. Nếu xảy ra do dùng thực phẩm có mùi hăng, nồng, tình trạng thường chỉ kéo dài trong khoảng vài ngày và thuyên giảm sau khi vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
- Sữa và các chế phẩm từ sữa: Sau khi dung nạp, sữa được phân hủy trong miệng và giải phóng thành các amino axit chứa nhiều sulphur. Hợp chất sulphur dễ bay hơi dẫn đến tình trạng hơi thở có mùi chua và khó chịu. Tuy nhiên, nếu sử dụng sữa chua, các lợi khuẩn có trong thực phẩm này có thể ức chế hoạt động của hại khuẩn nên hầu như không gây ra tình trạng hơi thở có mùi.
- Dùng rượu bia: Ethanol trong rượu bia có thể khiến khoang miệng giảm tiết nước bọt. Ngoài tác dụng làm mềm và hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, nước bọt còn giúp cân bằng hệ vi sinh trong khoang miệng và trung hòa các sản phẩm axit do hại khuẩn bài tiết. Vì vậy, khô miệng kéo dài có thể gây ra tình trạng hơi thở có mùi, miệng đắng hoặc chua.
Sử dụng thực phẩm, thức uống nặng mùi là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng hôi miệng. Tuy nhiên, tình trạng này thường không đáng lo ngại vì đa phần đều thuyên giảm nhanh sau khi ngưng sử dụng và vệ sinh răng miệng đúng cách.
3. Hôi miệng do hút thuốc lá
Hôi miệng có thể xảy ra do thói quen hút thuốc lá. Bởi khói thuốc vốn dĩ đã có mùi hôi khá khó chịu. Hơn nữa, các hợp chất hóa học trong thuốc lá cũng có thể khiến khoang miệng giảm tiết nước bọt, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển sinh ra khí lưu huỳnh (sulphur) – nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng hơi thở có mùi.
Ngoài ra, hút thuốc là cũng có thể gây hôi miệng gián tiếp bằng cách tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa như viêm nướu, sâu răng, viêm nha chu,… Vi khuẩn gây ra các bệnh lý này thường tiết ra độc tố có mùi hôi khiến hơi thở có mùi khó chịu mặc dù vệ sinh răng miệng thường xuyên.
4. Các vấn đề nha khoa – Nguyên nhân gây hôi miệng phổ biến
Ngoài các thói quen kể trên, hôi miệng còn có thể xảy ra do ảnh hưởng của một số vấn đề nha khoa như:
- Viêm nướu răng (viêm lợi)
- Viêm nha chu
- Viêm nướu hoại tử lở loét cấp tính
- Áp xe quanh chóp răng
- Viêm quanh Implant
- Viêm quanh thân răng
- Răng sâu vào tủy
Các bệnh lý nha khoa có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng luôn có vai trò của vi khuẩn. Lượng vi khuẩn trong khoang miệng tăng lên chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra mùi hôi khó chịu dù đã chải răng và súc miệng 2 – 3 lần/ ngày.
5. Do các dụng cụ nha khoa
Sử dụng các dụng cụ nha khoa như mắc cài, miếng dán sứ Veneer, răng sứ thẩm mỹ, Implant,… đều có thể gây ra tình trạng hôi miệng. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ việc sử dụng dụng cụ có chất liệu không đạt chuẩn hoặc do thức ăn bám chặt vào các kẽ trong thời gian dài.
Ngoài ra, nước bọt có thể tác dụng với kim loại trong trụ Implant hoặc mắc cài gây ra phản ứng hóa học và tạo mùi hôi khó chịu. Hôi miệng do sử dụng các dụng cụ nha khoa cũng có thể do bác sĩ thực hiện sai kỹ thuật, mão sứ bị chênh, hở khiến thức ăn bám dính vào tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh.
6. Nhiễm nấm Candida ở miệng
Nấm Candida là một trong những loại nấm men thường trú trong khoang miệng. Thông thường, nấm chỉ tồn tại với số lượng vừa phải nên hầu như không gây ra các triệu chứng bất thường. Tuy nhiên, nấm Candida có thể phát triển quá mức khiến lưỡi và má trong xuất hiện đám rêu dày có màu trắng ngả vàng.
Nhiễm nấm Candida là nguyên nhân gây hôi miệng phổ biến nhưng không được chú ý. Ngoài triệu chứng hôi miệng, bệnh lý này còn đặc trưng bởi các biểu hiện như vị giác thay đổi, khó ăn uống, có vị khó chịu trong miệng,… Nhiễm nấm Candida trong miệng có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng ảnh hưởng nhiều hơn đến trẻ dưới 12 tháng tuổi và người già.
Tham khảo thêm: Nấm Lưỡi Gây Hôi Miệng: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
7. Chứng khô miệng gây hơi thở có mùi
Khô miệng là nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng hơi thở có mùi. Khô miệng là hiện tượng khoang miệng giảm tiết nước bọt gây ra cảm giác khô và khó chịu. Tình trạng này có thể xảy ra tạm thời do ít uống nước hoặc do sử dụng các loại thức uống gây mất nước.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, khô miệng còn có thể là hệ quả do ảnh hưởng của các bệnh nội khoa, tuổi tác và hormone. Số liệu thống kê cho thấy, khô miệng xảy ra nhiều hơn ở nữ giới – nhất là sau khi mãn kinh.
Như đã đề cập, tình trạng giảm tiết nước bọt khiến vi khuẩn trong khoang miệng tăng sinh nhanh chóng. Hậu quả là gây sâu răng, viêm nướu và khiến hơi thở có mùi hôi khó chịu.
8. Tác dụng phụ của thuốc
Hôi miệng cũng có thể là tác dụng phụ khi sử dụng một số loại thuốc như:
- Thuốc kháng histamine H1 là nhóm thuốc có thể gây hôi miệng do giảm tiết nước bọt (Cetirizin, Diphenhydramin, Chlorpheniramin, Loratadin,…).
- Một số loại thuốc kháng sinh có thể khiến cơ thể mất nước dẫn đến giảm tiết dịch, bao gồm cả nước bọt (Colistin, Carbenicillin,…)
- Thuốc chống trầm cảm cũng có thể gây khô miệng do cơ chế giảm tiết nước bọt (Amitriphtylin, Fluoxetine,…).
- Thuốc chứa hoạt chất Paraldehyde được sử dụng để điều trị các bệnh tâm thần cũng có thể gây ra tình trạng hơi thở có mùi do hoạt chất Paraldehyde được phân tán khắp cơ thể và tạo ra mùi hôi khó chịu trong thời gian điều trị.
- Thuốc lợi tiểu (Triamterene) có thể gây giảm tiết nước bọt và dẫn đến chứng hôi miệng
- Các loại thuốc điều trị trào ngược dạ dày chứa dimethyl sulfate cũng có thể gây hôi miệng do có chứa hàm lượng sulfur
- Một số loại thuốc khác cũng có thể gây hôi miệng như thuốc trị bệnh đau nửa đầu, thuốc điều trị mụn trứng cá, thuốc điều trị bệnh Parkinson, thuốc chống buồn nôn,…
Hôi miệng do dùng thuốc có thể được khắc phục sau khi ngưng sử dụng. Tuy nhiên với những trường hợp phải dùng thuốc dài hạn, nên uống nhiều nước và nhai kẹo cao su thường xuyên để kích thích hoạt động tiết nước bọt nhằm giảm hôi miệng, đồng thời phòng ngừa các bệnh nha khoa và ngứa rát cổ họng.
9. Do các bệnh hô hấp
Hôi miệng không chỉ do các bệnh lý nha khoa mà còn có thể bắt nguồn từ một số vấn đề hô hấp như:
- Viêm xoang
- Hội chứng chảy dịch mũi sau
- Cảm lạnh, cảm cúm
- Viêm họng
- Viêm amidan, sỏi amidan
Đối với những bệnh hô hấp mãn tính, tình trạng hôi miệng có thể kéo dài dai dẳng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giao tiếp và chất lượng cuộc sống.
10. Ảnh hưởng của bệnh trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh tiêu hóa khá phổ biến. Bệnh lý này đặc trưng bởi hiện tượng trào ngược thức ăn + dịch vị bên trong dạ dày lên thực quản và một số cơ quan phía trên như thanh quản, khoang miệng.
Dịch vị dạ dày có độ PH axit nên có thể phá vỡ môi trường sinh lý tự nhiên của khoang miệng. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi để hại khuẩn phát triển mạnh và gây hôi miệng. Ngoài ra, trào ngược kéo dài còn làm tăng nguy cơ sâu răng, viêm nha chu, viêm họng hạt và một số vấn đề sức khỏe khác.
Hôi miệng do trào ngược dạ dày cũng có thể bắt nguồn từ thức ăn đã được tiêu hóa. Khi di chuyển xuống dạ dày, thức ăn sẽ được trộn lẫn với dịch vị (chứa HCl, pepsin và dịch mật). Enzyme tiêu hóa có tác dụng làm mềm và phân giải chất dinh dưỡng trong thức ăn để ruột non dễ dàng hấp thu. Vì vậy khi trào ngược lên khoang miệng, thức ăn bên trong dạ dày có thể gây ra mùi hôi khó chịu kèm theo cảm giác đắng hoặc chua miệng.
11. Các nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân thường gặp kể trên, chứng hôi miệng cũng có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân ít gặp hơn như:
- Ảnh hưởng của bệnh tiểu đường, các bệnh về gan, thận
- Do hội chứng mùi cá ươn – một hội chứng di truyền hiếm gặp đặc trưng bởi tình trạng hơi thở có mùi cá mặc dù đã vệ sinh kỹ lưỡng. Hội chứng này thực chất là một dạng rối loạn chuyển hóa khiến cơ thể không chuyển hóa được trimethylamine trong thực phẩm (thường có trong thức ăn có mùi tanh). Dần dần trimethylamine tích tụ trong gan và các cơ quan gây ra mùi hôi khó chịu.
Hôi miệng có nguy hiểm không?
Hôi miệng là tình trạng khá phổ biến và hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài có thể gây ra nhiều phiền toái khi sinh hoạt, giao tiếp, từ đó làm giảm hiệu suất lao động, học tập và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.
Dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng hôi miệng là dấu hiệu của nhiều bệnh lý về đường tiêu hóa, hô hấp, bệnh nội khoa và các vấn đề răng miệng. Các bệnh lý này cần phải được điều trị sớm để kiểm soát chứng hôi miệng và phòng ngừa các biến chứng nặng nề khác.
Hơn nữa, mùi hôi trong khoang miệng thường là do hợp chất sulfur. Hợp chất này không chỉ tạo ra mùi hôi khó chịu mà còn gây độc cho nha chu – tổ chức nâng đỡ răng. Do đó, việc điều trị và kiểm soát tình trạng hôi miệng sớm là vấn đề cần được chú ý.
Các cách trị hôi miệng hiệu quả
Hôi miệng không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe. Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể áp dụng một số cách chữa hôi miệng sau đây:
1. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Vệ sinh răng miệng đúng cách có thể loại bỏ thức ăn, ngăn hình thành mảng bám và ức chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn. Biện pháp này giúp giảm tình trạng hôi miệng, đồng thời hỗ trợ phòng ngừa các bệnh răng miệng và viêm đường hô hấp trên.
Cách vệ sinh răng miệng giúp kiểm soát tình trạng hơi thở có mùi:
- Chải răng 3 lần/ ngày sau khi ăn 30 phút và trước khi đi ngủ. Khi chải răng, cần lựa chọn bàn chải có kích thước phù hợp và chải đều các mặt của răng để làm sạch hoàn toàn mảng bám. Trong quá trình đánh răng, nên thực hiện nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương mô nướu và men răng.
- Súc miệng bằng các sản phẩm chứa tinh dầu bạc hà, đinh hương, trà xanh,… để khử mùi hôi, đồng thời kháng khuẩn, tiêu diệt virus và nấm men có trong khoang miệng. Nên súc miệng ngay sau khi đánh răng để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Dùng chỉ nha sau các bữa ăn để làm sạch thức ăn bám dính vào kẽ răng. Khi thức ăn không được làm sạch, vi khuẩn sẽ phân giải protein và giải phóng khí sulfur dẫn đến hơi thở có mùi.
- Sử dụng thêm dụng cụ làm sạch lưỡi để loại bỏ nấm men và vi khuẩn có hại. Hoặc bạn cũng có thể dùng bàn chải có mặt chải lưỡi để làm sạch khoang miệng hoàn toàn.
- Nhai kẹo cao su thường xuyên để hỗ trợ làm sạch thức ăn thừa và kích thích khoang miệng bài tiết nước bọt. Thực tế cho thấy, biện pháp này mang lại hiệu quả khá tốt với những trường hợp hơi thở có mùi do chứng khô miệng.
Vệ sinh răng miệng đúng cách có thể cải thiện chứng hôi miệng đáng kể. Tuy nhiên trong một số trường hợp, biện pháp này chỉ có thể giảm nhẹ mức độ mùi hôi và không thể loại bỏ hơi thở có mùi hoàn toàn.
2. Thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt
Có thể thấy, hôi miệng thường bắt nguồn từ các thói quen ăn uống và sinh hoạt. Bên cạnh việc giữ gìn vệ sinh răng miệng, bạn cũng có thể cải thiện tình trạng này bằng cách điều chỉnh một số thói quen.
- Ngưng sử dụng các loại thực phẩm có mùi nồng như tỏi, đồ muối chua, các loại mắm,…
- Hạn chế dùng rượu bia và đồ uống chứa caffeine để tránh tình trạng hơi thở có mùi do giảm tiết nước bọt. Nếu phải sử dụng, nên chú ý uống nhiều nước và nhai kẹo cao su thường xuyên.
- Cai thuốc lá để giảm mùi hôi miệng và phòng ngừa các bệnh lý nha khoa. Ngoài ra, ngưng hút thuốc còn giúp bảo vệ sức khỏe, tránh được các bệnh lý về phổi, gan, dạ dày và tim mạch.
3. Giảm hôi miệng bằng mẹo tự nhiên
Tình trạng hơi thở có mùi có thể giảm đi đáng kể khi áp dụng một số mẹo tự nhiên. Các biện pháp này chủ yếu tận dụng những nguyên liệu có sẵn nên tương đối an toàn và có thể thực hiện ngay tại nhà.
Các mẹo dân gian giúp cải thiện tình trạng hôi miệng ngay tại nhà:
- Dùng lá bạc hà trị hôi miệng: Hoạt chất menthol trong lá bạc hà có tác dụng khử mùi và giảm tình trạng hôi miệng đáng kể. Ngoài ra, hoạt chất này còn có tác dụng làm mát khoang miệng, ức chế sự phát triển của vi khuẩn và nấm men. Để giảm chứng hôi miệng, bạn có thể dùng trà bạc hà hoặc nhai trực tiếp vài lá bạc hà tươi.
- Súc miệng với dầu dừa chữa hôi miệng hiệu quả: Axit lauric trong dầu dừa được chứng minh có tác dụng kháng khuẩn, chống nấm và virus. Sử dụng 1 thìa dầu dừa hòa với nước ấm và súc miệng 2 – 3 lần/ ngày có thể giảm tình trạng hôi miệng đáng kể. Ngoài ra, áp dụng cách này thường xuyên còn giúp ngăn ngừa sâu răng và các bệnh nha khoa thường gặp.
- Dùng sữa chua: Probiotic (lợi khuẩn) trong sữa chua có khả năng giảm độc tố từ các hại khuẩn, qua đó ngăn chặn mùi hôi từ dạ dày trào ngược lên thực quản và cổ họng. Ngoài ra, bản thân lợi khuẩn cũng có vai trò cân bằng hệ vi sinh và ngăn chặn sự phát triển quá mức của hại khuẩn tích tụ trong khoang miệng.
Ngoài những biện pháp trên, bạn cũng có thể cải thiện tình trạng hơi thở có mùi bằng một số nguyên liệu tự nhiên khác như đinh hương, lá trầu không, mật ong, nha đam, hạt thìa là, vỏ quế, giấm táo,… Tuy nhiên, cần chú ý các mẹo chữa này chỉ mang lại hiệu quả tạm thời nên phải áp dụng song song với vệ sinh răng miệng đều đặn và đúng cách.
Có thể bạn quan tâm:
- Lá Trầu Không Chữa Hôi Miệng – Mẹo Hay Nên Thử
- Mách bạn cách chữa hôi miệng bằng giấm táo siêu đơn giản
4. Điều trị bệnh lý nguyên nhân
Bên cạnh những nguyên nhân tạm thời, hôi miệng còn có thể xảy ra do ảnh hưởng của các bệnh răng miệng, hô hấp, tiêu hóa và bệnh nội khoa. Nếu nghi ngờ mắc các bệnh lý này, bạn nên thăm khám để được chẩn đoán và điều trị.
Khi bệnh lý nguyên nhân được kiểm soát, tình trạng hôi miệng và các triệu chứng đi kèm sẽ thuyên giảm rõ rệt. Ngoài ra, điều trị sớm còn giúp bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa các biến chứng nặng nề.
5. Dùng thuốc trị hôi miệng
Hôi miệng thường là hệ quả do vi khuẩn trong khoang miệng tăng lên quá mức và phân giải ra khí sulfur. Trong trường hợp hôi miệng dai dẳng và không có cải thiện khi áp dụng các phương pháp trên, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc trị hôi miệng như kháng sinh Metronidazole (200mg/ 3 lần/ ngày) trong khoảng 1 tuần để tiêu diệt hại khuẩn. Sau khi vi khuẩn được kiểm soát, tình trạng hôi miệng sẽ thuyên giảm đáng kể.
Hôi miệng là tình trạng phổ biến ở mọi lứa tuổi. Dù không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng tình trạng này gây ra không ít phiền toái khi sinh hoạt, lao động. Do đó sau khi điều trị, cần duy trì thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh và vệ sinh răng miệng đúng cách để phòng ngừa tái phát.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Nước Bọt Có Mùi Hôi: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
10 Cách chữa hôi miệng tại nhà bằng mẹo dân gian
Chia Sẻ 6 Cách Chữa Hôi Miệng Bằng Nước Vo Gạo Cực Hay
Lá Trầu Không Chữa Hôi Miệng – Mẹo Hay Nên Thử
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!